Nhiều người biết đến đài tưởng niệm các chuyên gia xây dựng Liên Xô đã hy sinh cho công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài ở Cam Ranh tưởng niệm các chuyên gia quân sự đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự nghiệp hoà bình và sự độc lập của Việt Nam. Nhưng, ít người biết đến Đài tưởng niệm các thủy thủ của tuần dương hạm Nga mang tên "Diana" dựng lên tại khu nghĩa trang Lái Thiêu gần thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của mười hai thủy thủ tàu tuần dương "Diana" — những người Nga đầu tiên đã qua đời tại Việt Nam.
Có thể coi "Diana" là người anh em song sinh với "Rạng Đông" — chiến hạm lừng danh hồi tháng 10 năm 1917 đã phát đi tiếng gầm đại bác báo hiệu khởi đầu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. Cả hai tàu tuần dương đều được hạ thủy vào năm 1901, cả hai tàu đều dự phần vào cuộc chiến Nga-Nhật. Chỉ có điều "Rạng Đông" tham gia các trận hải chiến ở vùng Viễn Đông trong năm 1905, còn "Diana" xuất kích sớm hơn, từ một năm trước đó. Vào tháng Hai năm 1904, "Diana" đã chống trả cuộc tấn công của các tàu chiến Nhật Bản tại căn cứ hải quân Nga trên lãnh thổ Trung Quốc là Port-Arthur. Tháng Tư năm ấy, "Diana" xông ra chặn đòn tấn công, phá vỡ kế hoạch của quân Nhật Bản toan vây chặt hạm đội Nga trong cảng Port-Arthur. Tháng Sáu, cũng lại là "Diana" đột kích ra bên ngoài, chọc thủng vòng phong tỏa của đoàn tàu Nhật muốn bịt kín cửa ngõ ra vào cảng, bằng cách đó mở đường cho những chiến hạm đồng đội của bên Nga thoát ra biển khơi.
Tuy nhiên, từ Port Arthur những con tàu Nga đã không thể vượt qua trùng khơi để về lại bến bờ quê hương Nga ở Vladivostok. Một số tàu bị đối phương bắt giữ, số khác thì thủy thủ đoàn đã tự nổ mìn đánh chìm để tránh thân phận tù binh. Một bộ phận tàu Nga dạt vào bến cảng của những quốc gia trung lập. Với thân tàu thương tích vì bị đạn xuyên thủng dưới đường mớn nước, vào tháng Tám 1904, tuần dương hạm "Diana" đã tới cảng Sài Gòn.
Thuyền trưởng đã thông qua quyết định cập bến ở Sài Gòn xuất phát từ chỗ Pháp tuyên bố trung lập trong cuộc chiến tranh Nga — Nhật. Đồng thời các tàu của Nga và Nhật Bản có thể lưu trú không có giới hạn tại các cảng thuộc thực dân Pháp ở Việt Nam, có thể sử dụng sự hỗ trợ của các doanh nghiệp địa phương để thực hiện công việc sửa chữa, ngoại trừ những gì liên quan đến vũ khí của họ.
Tàu "Diana" phải ở lại Sài Gòn trong 14 tháng, — sử gia Matxcơva Maksim Syunnerberg cho biết:
"Trong thời gian buộc phải thả neo ở Sài Gòn, 12 thủy thủ Nga của "Diana" đã qua đời vì những vết thương hiểm nghèo trong cuộc chiến với quân Nhật. Các thủy thủ xấu số tạ thế nơi viễn xứ được chôn cất dưới những phần mộ riêng trong nghĩa trang thành phố, trên mỗi nấm mồ đều có bia đá cẩm thạch khắc rõ họ tên. Nhưng, trong những năm Thế chiến II, phát xít Nhật chiếm Việt Nam và đã hủy hoại mộ phần những đối thủ cũ mai táng từ cách đó bốn mươi năm, lính Nhật đập nát mọi bia chí".
Nói về số phận của tàu chiến "Diana" thì cờ Nga trên tàu tuần dương này lại được kéo lên vào tháng 10 năm1905, sau khi phê chuẩn hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật Bản. Cùng thời điểm đó, có tàu tuần dương khác là tàu "Rạng Đông" và các tàu khác của Nga cũng tham gia chiến sự được ghé vào Sài Gòn. Tháng 11 năm 1905, các tàu Nga đã rời cảng Sài Gòn và lên đường về biển Baltic quê hương. Về sau, tàu "Rạng Đông" đã đi vào lịch sử, góp phần vào cuộc cách mạng năm 1917. Còn số phận tàu "Diana" thì rất đáng buồn. Năm 1922, khi chính phủ nước cộng hòa Xô viết trẻ tìm mọi cách để chống đói, tàu tuần dương Nga đã được bán cho Đức để làm sắt vụn.