Phóng viên: Thưa ông Wimmer, phải chăng sau cuộc chiến tranh, Mỹ đã mất đi cái cớ hợp pháp biện minh cho sự hiện diện quân sự ở châu Âu?
Willy Wimmer: Các thỏa thuận có liên quan đến nội dung này đã được ký kết hoặc gia hạn trong bối cảnh thống nhất nước Đức. Vào thời điểm đó các bên đã thông qua quyết định rút hết quân đội Anh khỏi lãnh thổ Đức đến năm 2020. Tuy nhiên, sau khi Vương quốc Anh nói lên ý muốn rời khỏi EU, thỏa thuận này có vẻ ngớ ngẩn.
Cơ sở pháp lý cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đức là NATO. Tuy nhiên, sau cuộc thống nhất nước Đức mối đe dọa từ phía Đông đã biến mất và điều đó đã dẫn tới nghi ngờ về sự cần thiết của NATO. Ngoài ra, khi ký kết các thỏa thuận này, NATO đã cách xa một ngàn cây số từ lãnh thổ của Nga. Kể từ đó, NATO đã cố ý thay đổi bản chất phòng thủ của liên minh. Mặc dù không có sự đồng ý của quốc hội các nước thành viên, liên minh Bắc Đại Tây Dương đã trở thành một cỗ máy xâm lược dựa trên học thuyết quân sự mới năm 1999. Và bây giờ, phiên bản mới của NATO đang hiện diện sát gần biên giới Nga.
PV: Tại sao thỏa thuận về việc rút quân đội trước năm 2020 đã được ký kết với người Anh chứ không phải với người Mỹ?
WW: Khác với người Anh, Mỹ đã không công bố quyết định tự nguyện rút lui khỏi Đức. Thay vào đó, ngay trước khi thống nhất nước Đức, họ đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ xem xét sự hiện diện của họ trên lãnh thổ Đức không phải là một chức năng quốc phòng của NATO, mà là vai trò lãnh đạo toàn cầu. Và Chính phủ LB Đức đã chấp nhận điều đó. Có nghĩa là, các căn cứ của Mỹ (không liên quan đến nước Đức) được sử dụng để lực lượng Hoa Kỳ có thể thực hiện những chiến dịch tàn khốc trên khắp thế giới. Tức là, chúng tôi đang phải đối phó không phải với lực lượng vũ trang có nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi trên cơ sở các thỏa thuận, mà với cuộc xâm lược tiềm năng của Hoa Kỳ ở tầm quốc tế.
PV: Các căn cứ này thuộc NATO hoặc thuần túy thuộc về Mỹ?
WW: Đây là các căn cứ của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, nhưng, cơ sở pháp lý của sự hiện diện trên lãnh thổ Đức là khối NATO với tư cách một liên minh phòng thủ. Khối Bắc Đại Tây Dương đã tồn tại với hình thức này cho đến năm 1999, khi NATO đã gây ra cuộc chiến chống lại nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư trái với luật pháp quốc tế.
PV: Ở Đức có ai biết về những gì đang xảy ra tại căn cứ Ramstein? Mỹ báo cáo về hoạt động của mình hay không?
WW: Trên căn cứ này có các sĩ quan người Đức, đáng lẽ họ phải báo cáo về những gì đang xảy ra. Và chính phủ Đức cũng phải biết những gì đang xảy ra ở đó. Ví dụ, máy bay không người lái gây nhiều chết chóc ở những khu vực khác nhau trên thế giới được phóng từ căn cứ Ramstein. Chính phủ Đức biết về điều đó, nhưng giấu giếm sự thật. Đây là một điều thật đáng xấu hổ.
PV: Trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu, giả sử như cuộc tấn công của Nga vào châu Âu, các căn cứ đó vẫn có thể bảo vệ châu Âu hay không?
WW: Chúng tôi rất may mắn vì chúng tôi có thể chắc chắn rằng, ở Nga không có ai lên những kế hoạch như vậy. Ngược lại, Nga đang hành động tự tin và tự chủ, nhưng, chỉ trên lãnh thổ của mình. Còn Hoa Kỳ, nước mà chúng tôi xem xét như đồng minh của Đức, có những hành vi hung hăng trong 25 năm qua.
PV: Theo ý kiến của ông, liệu cuộc xung đột tiềm năng với Nga có thể biện minh cho sự tồn tại của các căn cứ này hay không?
WW: Trong mọi trường hợp, kể từ cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 cho đến chiến dịch tại Afghanistan, các căn cứ Mỹ ở Đức đã được sử dụng để biện minh cho sự tồn tại của NATO trên quy mô toàn cầu.
Hiện nay, các sứ mệnh quân sự của Mỹ trên phạm vi toàn cầu đang vấp phải khó khăn, vì thế "nỗi ám ảnh Nga" bị thổi phồng ở châu Âu đến mức mà người ta bắt đầu nói: "Vâng, có lẽ chúng tôi phải vui mừng vì các căn cứ của Mỹ vẫn còn ở đây". Điều này cho thấy rằng, đối với Mỹ và, có lẽ, đối với Anh, chúng tôi chỉ là một bao Boxing dùng tập võ.
PV: Về mặt lý thuyết, liệu chính phủ LB Đức có thể thông qua quyết định giải thể Ramstein?
WW: Trong Hiệp định về thống nhất nước Đức có điều khoản nói rằng, sự hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Đức có thể được chấm dứt sau khoảng thời gian hai năm. Và nếu hiện nay có ý đồ leo thang căng thẳng để gây ra xung đột vũ trang với Nga, thì chúng tôi phải xuất phát từ lợi ích của đất nước, tức là, nên tận dụng lợi thế của điều khoản này.