Theo đó, các doanh nghiệp như Công ty Thương mại Quốc tế (KAMAZ), Nhà máy sản xuất ôtô (GAZ, Llc), Công ty Cổ phần Đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod (UAZ), và các doanh nghiệp được phía Nga uỷ quyền để liên doanh với Việt Nam sản xuất các phương tiện vận tải.
Các liên doanh này sẽ chủ yếu tập trung sản xuất các dòng xe SUV (loại xe thể theo đa dụng) của UAZ (MIC), phương tiện vận tải có động cơ dùng để chở từ 10 người trở lên, bao gồm cả lái xe (M2, M2G, M3. M3G), xe tải (N1, N1G, N2, N2G, N3, N3G) và xe chuyên dụng (SB, SC, SD) theo thống nhất của hai bên. Danh sách các dòng xe phải được đưa vào kế hoạch sản xuất của liên doanh.
Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường, đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ôtô trong vòng 5 năm.
Đây là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô theo Liên minh Kinh tế Á — Âu (VN — EAEU FTA) được cắt giảm dần về 0%.
Cụ thể, thuế suất xe ôtô của Nga sẽ được áp dụng 0% theo hạn ngạch từ 5/10 tới đây. Năm 2016, 800 xe, năm 2017 có 850 xe, năm 2018 là 900 xe. Như vậy, trong 3 năm đầu tiên sẽ có khoảng gần 3.000 xe ôtô từ Nga về Việt Nam được hưởng thuế suất 0%.
Ngoài ra, Việt Nam còn cấp hạn ngạch cho phép các liên doanh nhập khẩu 13.500 linh kiện xe với thuế suất 0% trong 5 năm.
Việc phân bổ hạn ngạch từng năm cho mỗi liên doanh sẽ căn cứ vào thực tế kế hoạch sản xuất của các liên doanh. Khối lượng hạn ngạch được cấp năm sau sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hoá của liên doanh nêu trong kế hoạch thực hiện của mình.
Để được áp thuế suất 0% vào Việt Nam, các dòng xe phải có quy tắc xuất xứ cũng như đảm bảo yêu cầu của VN — EAEU FTA.
Cuối tháng 3 năm nay, Việt Nam và Nga đã chính thức ký Nghị định thư Hợp tác về ôtô. Trước đó, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á — Âu (VN — EAEU FTA) mà Nga là một thành viên.
Theo nghị định thư, các cơ sở Nga sẽ cộng tác với một số doanh nghiệp Việt lập ra các liên doanh sản xuất xe ôtô phục vụ thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu sang Đông Nam Á, do ôtô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.
Nguồn: vneconomy.vn