Trong cuộc đàm đạo, nhà lãnh đạo Mỹ nhớ lại bối cảnh việc bình chọn thành phố tiến hành Thế vận hội năm 2016. Vào năm 2009, tại Copenhagen trong kỳ họp của IOC, Rio de Janeiro đã chiến thắng các thành phố đối thủ Madrid, Chicago và Tokyo trong cuộc đua giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016. Ông Obama đã bay tới Copenhagen để ủng hộ Chicago.
"Mọi người đều nghĩ rằng, nếu tôi đến đó, thì chúng ta sẽ có cơ hội tốt để giành chiến thắng, vì vậy chuyến đi trong ngày này là có mục đích rõ ràng. Tôi nghĩ rằng, kết quả chúng ta biết được về các quyết định đã thông qua trong Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), cũng như trong FIFA — chúng đã bị đánh tráo một chút", tạp chí New York Magazine trích dẫn lời ông Obama.
Nhà khoa học chính trị, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Nga Victor Olevich cho rằng: tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ là xa rời thực tế. Mỹ chỉ quen với việc luôn luôn giành chiến thắng ở mọi nơi và mọi lúc.
"Tổng thống đương thời của Hoa Kỳ thường xuyên viện đến những lời tuyên bố mà không chứa sự thật, và không chỉ trong thể thao mà còn trong các lĩnh vực chính trị và quan hệ quốc tế. Giới lãnh đạo Mỹ nói chung đều cho rằng, nếu Washington thua ở đâu đó trên đấu trường quốc tế, thì đó là kết quả của một số cơ cấu tham nhũng nào đó. Bởi vì, tất nhiên, đơn giản là Hoa Kỳ phải luôn chiến thắng và giành chiến thắng ở khắp mọi nơi",- ông Victor Olevich nói trên đài phát thanh Sputnik.
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu chính trị, nỗi bực dọc của Tổng thống Obama về quyết định của IOC và FIFA xuất phát từ nhiều nguyên do khác.
"Cách đây vài tháng, vấn đề loại đội tuyển quốc gia Nga khỏi Olympic ở Rio đã giải quyết xong. Và, như chúng ta vẫn nhớ, Cơ quan chống doping thế giới (WADA) đã dựa vào báo cáo của Richard McLaren để yêu cầu đội tuyển Nga không được tham gia Thế vận hội. Hóa ra tài liệu này là thiếu căn cứ. Chỉ một vài ngày trước khi IOC đưa ra quyết định, cả chiến dịch tuyên truyền chống Nga rộng rãi đã nổ ra trong các phương tiện truyền thông phương Tây. Nhưng việc cưỡng bách, ép buộc bỏ phiếu ủng hộ loại bỏ Nga khỏi Olympic đã không thành", Viktor Olevich nhận xét.
Ông cho rằng, trong tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ có chứa lời dọa dẫm nhất định.
"Về những đòn tấn công vào FIFA, chúng ta thấy rõ ví dụ về sự hăm dọa. Đó là, Hoa Kỳ thông qua các tổ chức thể thao quốc tế và các cơ quan liên đới đang cố gắng tiến hành một ý đồ rất đơn giản: nếu giả sử trong tương lai Mỹ không được bầu chọn khi họ đứng ra ứng cử, thì những người đứng đầu các cơ quan thể thao quốc tế có nguy cơ phải ra tòa. Trong trường hợp này, giới lãnh đạo Mỹ hy vọng rằng, những người chiến thắng sẽ không bị phán xét, và họ sẽ không bị kiện cáo gì nữa. Nhưng, như chúng ta đang thấy, Hoa Kỳ đang bị giảm ảnh hưởng trong trường chính trị quốc tế. Thế giới đang di chuyển theo hướng đa cực, và Mỹ sẽ không thể làm tất cả những gì họ muốn, và điều đó có nghĩa là Washington không thể định đoạt tương lai và địa điểm tiến hành các giải đấu quốc tế ",- nhà chính trị học kết luận.