Kể từ năm 2015, Ukraina áp dụng các biện pháp trừng phạt chống những cá nhân và pháp nhân của Nga. Các loại biện pháp trừng phạt khác nhau, kể cả lệnh cấm nhập cảnh và thu giữ tài sản, có hiệu lực trong thời gian một năm. Tháng 9 năm 2015, 388 cá nhân và 105 pháp nhân của Nga bị liệt trong danh sách trừng phạt. Cuối tháng 8 năm 2016, nội các Bộ trưởng Ukraina đã gia hạn lệnh trừng phạt với Nga, và đưa thêm 250 cá nhân và 46 pháp nhân vào danh sách này.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài Sputnik, cựu nghị sĩ Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) Vladimir Oleynik, nay là nhà hoạt động nhân quyền Ukraina, nhắc nhở rằng, đây không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm thành lập nhóm đại biểu quốc hội chủ trương khôi phục lại quan hệ thương mại và kinh tế với Nga.
"Tháng 5 năm 2014, tôi, với tư cách đại biểu Quốc hội khóa VII, cùng với các nghị sĩ khác đã thành lập nhóm "Vì hòa bình và ổn định" gồm 36 thành viên. Vào tháng 9, chúng tôi đã thực hiện chuyến công du tới Duma Quốc gia Liên bang Nga. Trong chuyến thăm đó chúng tôi không phải là đại diện của nhà nước Ukraina mà đại diện cho cử tri Ukraina. Sau khi về nước, các đại biểu của nhóm này đã bị đàn áp, đánh đập, và thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội tổ quốc. Bây giờ các nghị sĩ Ukraina đang làm lại lần thứ hai sau nỗ lực đầu tiên thất bại,"- ông Vladimir Oleinik nói.
Theo ông, trong bối cảnh nền kinh tế Ukraina, các nghị sĩ phải thực hiện bước đi này:
"Sau đây là một thí dụ: trong năm 2013, Ukraina đã bán ra trên thị trường Nga tổng giá trị hàng hóa 17 tỷ USD. Sau khi áp dụng lệnh trừng phạt và tuyên bố Nga là "kẻ xâm lược" — chỉ có 4,5 tỷ USD. Và ngay hiện nay, bất chấp các biện pháp trừng phạt, Nga vẫn là đối tác số một của Ukraina. Còn Mỹ — một vị khách quý ở Ukraina — thì chúng tôi chỉ bán ra hàng hóa tổng trị giá 110 triệu USD, bởi vì họ không muốn mua bất kỳ hàng hóa của chúng tôi, kể cả ngô hoặc kim loại. Các thị trường châu Âu cũng vậy. Trên thực tế, chúng tôi chỉ nhận được hạn ngạch xuất khẩu 1-4% tổng sản lượng nông nghiệp Ukraina. Ví dụ, Ukraina sản xuất 1,2 triệu kg thịt gà/năm, mà chúng tôi nhận hạn ngạch xuất khẩu cho thị trường châu Âu 16 nghìn tấn. Điều đó thật nực cười! Chính vì thế các nhà máy trong nước hầu như không hoạt động hoặc bị đóng cửa, người dân bị mất việc làm. Và tất nhiên, Ukraina bị mất doanh thu. Do đó, hiện nay có những người nói lên quan niệm ủng hộ chủ nghĩa thực dụng trong kinh tế: hãy khôi phục lại quan hệ kinh tế với các doanh nghiệp Nga. Giới kinh doanh bắt đầu lên tiếng thông qua các đại diện trong Quốc hội… họ nói, đừng bóp nghẹt nền kinh tế Ukraina! Và nếu Kiev áp dụng chế độ thị thực với Nga, thì nền kinh tế của Ukraina sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn", — ông Vladimir Oleynik lưu ý.