Có thể đặt những ấn tượng về Sài Gòn của học giả Nga dưới khái niệm phổ biến thời Xô Viết — "thành phố của sự tương phản". Ông tỏ ra hài lòng về qui hoạch thiết kế. Nhưng dù có bề ngoài hào nhoáng và tiện nghi, Sài Gòn cũng như toàn cõi Nam Kỳ, theo nhận xét của ông, đều chưa thực sự phát triển.
Ví dụ, ở Sài Gòn thiếu nguồn dẫn nước phù hợp và khí đăng. Ông không khỏi ngạc nhiên về tòa bưu điện đẹp và nội thất tráng lệ. Du khách Nga thừa nhận, ông chưa gặp công trình nào ấn tượng như vậy ở New York, London hay Paris. Tòa nhà bưu điện khi ấy đứng giữa khu đất trống vắng. Ghi nhận các công trình tòa hòa giải, nhà hát, nhưng giáo sư Alekseev lưu ý thành phố chưa sở hữu khu chợ mái che cần thiết với nơi có khí hậu nóng nực. Có trạm Pasteur và phòng nghiên cứu vi khuẩn, nhưng thiếu bệnh viện tư nhân và chăm sóc y tế.
Quả là những quan sát thú vị? Không chỉ các bạn đọc Việt Nam mà ngay người Nga ghé thành phố Hồ Chí Minh dù chỉ vài giờ đồng hồ sẽ không thể nhận ra theo mô tả của học giả Nga một thành phố hiện đại —trung tâm thương mại, công nghiệp và văn hóa lớn không chỉ đối với Việt Nam mà cả Đông Nam Á.
Vị khách người Nga được chứng kiến một cảnh quan rất khác của Chợ Lớn. "Ở thành phố này, — ông viết, — những người lao động đủ mọi ngành nghề cặm cụi làm việc, kinh doanh và nghề thủ công phát đạt, không ế ẩm." Tuy nhiên, theo quan sát của ông Alekseev, mặc dù người Việt là chủ nhân đất nước nhưng ở Chợ Lớn họ "nằm trong tay những người Hoa tồn tại ở khắp nơi".
Ở Chợ Lớn, ông Alekseev không để ý thấy danh thắng nào ngoài một điểm duy nhất. Như ông viết, đó là cơ ngơi của viên quan tổng đốc địa phương. Alekseev thán phục mô tả căn nhà với cột trụ tao nhã, những chiếc mành và rèm treo thay tường, cầu thang đá cẩm thạch, đồ nội thất từ gỗ mun, vô số đồ vật phương Đông đặc sắc có thể làm vinh dự cho bất kỳ bảo tàng phương Tây, những cặp ngà voi khổng lồ bọc vàng bạc.
Có lẽ, chính dinh thự này cũng được bá tước Vyazemsky lưu ý trong nhật ký du hành khi ông đến Chợ Lớn trước giáo sư Alekseev hai năm rưỡi. Ông bá tước cũng cảm thán về sự giàu sang và thẩm mỹ của chủ nhà.
Có ai trong số các bạn đọc biết gì về ngôi nhà này? Liệu nó có còn tồn tại? Liệu có tấm ảnh nào ghi lại cơ ngơi độc đáo? Chúng tôi sẽ rất cảm ơn về bất kỳ thông tin được cung cấp.
Tất nhiên, giáo sư không thể bỏ qua trong ghi chép du hành về Vườn bách thảo, đồng thời cũng là nơi sưu tầm động vật. Chúng tôi nói "tất nhiên" vì hầu như những du khách Nga có mặt ở Sài Gòn hơn một ngày đều nhắc đến khu vườn.
Ông Alekseev ngạc nhiên khi thấy những con thú hiếm trong các chuồng thú chắc chắn. Voi tự do đi lại trong vườn. Những con gấu đen sống dưới hố đất sâu có hang, đài phun nước và đường ngầm. Tuy nhiên, ông ấn tượng nhất với thực vật trong vườn. Không chỉ vì khí hậu — ông viết, — mà là nghệ thuật của người đã tạo ra những góc vườn tuyệt vời, hài hòa giữa thế giới thực vật và động vật.
Đó là Sài Gòn và Chợ Lớn mà giáo sư Nga Alekseev đã gặp vào năm 1894 và để lại ấn tượng trong lòng người đọc Nga qua ký sự được công bố trên các báo và tạp chí du hành. Khó ai khi ấy hình dung được một Việt Nam của ngày hôm nay.