Ông Sự cho biết, năm 1978, sau khi phục vụ trong quân đội Việt Nam, ông giải ngũ và được cử đi học tại trường quân sự kỹ thuật. Năm 1988, theo thỏa thuận liên chính phủ Việt-Xô về hợp tác lao động, ông được gửi đi làm việc tại tỉnh Kuibyshev (bây giờ gọi là tỉnh Samara) cùng với một nhóm công dân Việt Nam. Năm 1990, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hợp tác lao động, ông trở về quê hương. Nhưng sau đó không lâu, ông Sự lại một lần nữa sang Nga. Ông hoạt động kinh doanh, còn vợ thì học đại học sư phạm.
Dần dần, ông quyết định xin quốc tịch Nga. Đây là một quá trình thủ tục khá dài. Và cuối cùng, Tổng thống Nga quyết định rằng ông có dủ điều kiện để trở thành công dân của Liên bang Nga. Trong nhiều năm sống và làm ăn tại Nga, ông Sự và các thành viên gia đình thực sự trở thành người Nga. Ông cũng cho rằng các nhà chức trách Nga rất có cảm tình với những người Việt Nam sống làm việc và tôn trọng pháp luật sở tại, kể cả những người bình thường như gia đình ông. Và người Nga nói chung đều cởi mở và thân thiện. "Họ trở nên rất gần gũi thân thuộc với chúng tôi", — ông Vũ Quân Sự cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, sau khi nộp đơn bao lâu thì ông và gia đình nhận được quốc tịch Nga? Trong quãng thời gian chờ đợi đó, ông đã sinh sống và làm việc như thế nào? Công dân mới gốc Việt Vũ Quân Sự cho biết:
"Từ khi tôi nộp đơn xin thường trú cho đến khi được cấp quốc tịch, 7 năm đã trôi qua. Trong khi chờ đơi, tôi làm dịch vụ vận tải, vợ tôi ở nhà làm nội trợ. Con cái chúng tôi lúc đầu gửi người thân ở Việt Nam, về sau chúng tôi quyết định đưa các cháu sang Nga để cả gia đình sống với nhau. Con gái út của chúng tôi đang học ngành hóa sinh ở đại học tổng hợp Vladivostok. Con gái lớn hiện sống cùng với chúng tôi, cháu học khoa kinh tế tại trường Đại học Sư phạm Tula. Chúng tôi đã mua được căn hộ và dacha — tức là nhà nghỉ ngoại ô, với khu vườn lớn, rộng một héc ta. Nói chung, cũng giống như nhiều người Nga khác."
Cũng xin nói thêm là ở Tula có khá nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik, trong cộng đồng người Việt tại đó có nhiều người Việt Nam xin quốc tịch Nga hay không, ông Vũ Quân Sự nói:
"Đối với người Việt Nam tại Tula, theo như tôi biết, có những người đã được cấp quốc tịch (гражданство), có người nhận giấy phép định cư lâu dài (вид на жительство). Nhiều người có giấy phép định cư tạm thời (разрешение временного проживания) với quyền sống và làm việc trong 3 năm. Nói chung, người Việt ở Tula cố gắng tuân thủ pháp luật sở tại. Mọi người đều hiểu rằng sống theo pháp luật sẽ không bao giờ gặp rắc rối. Gia đình tôi và tôi luôn luôn đã sống và sẽ sống theo pháp luật Nga."