Cuộc phóng được tiến hành trong khuôn khổ đợt bắn đạn thật trên thao trường Kura thuộc khu vực Orenburg vùng Kamchatka và đã là lần thử nghiệm hoàn toàn thành công đầu tiên với loại vũ khí có khả năng đạt vận tốc lên tới 15 Mach (7 km/giây).
"Sản phẩm 4202" cần thay thế cho đầu đạn truyền thống trên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa triển vọng. Độ linh hoạt cơ động cao của khí cụ bay trước khi đi vào lớp khí quyển dày đặc gây khó cho khả năng đánh chặn của các phương tiện phòng không đối phương, — báo cho biết.
Phát biểu trên đài Sputnik, chuyên gia quân sự Viktor Litovkin lưu ý rằng theo dự kiến thì khối siêu thanh sẽ được trang bị cho tên lửa mới hạng nặng "Sarmat".
"Đây là đợt kiểm nghiệm thứ hai với khối siêu thanh dành cho tên lửa "Sarmat". Đợt đầu tiên đã diễn ra vài tháng trước đây từ thao trường Kapustin Yar. Bây giờ khâu kiểm tra được tiến hành với tên lửa "Voevoda" ("Satan"). Các đặc điểm của khối siêu thanh được giữ bí mật, nhưng tôi có thể giả định rằng số đầu đạn dẫn hướng riêng có thể lên đến 20, mỗi chiếc trong đó có chương trình chuyến bay riêng, bay như tên lửa hành trình, nhưng với vận tốc siêu thanh. Một số cư dân vùng Siberia đã nhìn thấy khối siêu thanh này bay như thế nào và bà con đã tưởng đó là thiên thạch bay từ vũ trụ", — ông Victor Litovkin nói.
Theo quan điểm của chuyên viên quân sự, thành tựu của Nga trong việc sáng chế phát triển vũ khí siêu thanh đang làm thay đổi căn bản mô hình chiến tranh hiện đại, còn người Mỹ thì bắt đầu hiểu ra rằng giờ đây họ không còn nắm giữ ưu thế tuyệt đối nữa.
"Cũng may mà họ hiểu điều này, bởi có lẽ từ nay người Mỹ sẽ bớt huyênh hoang khua vũ khí. Điều đáng nói nữa là họ tốn phí cho những nghiên cứu và mục đích quân sự tới 600 tỷ USD, còn chúng ta chi ít hơn thế cả chục lần. Trong khi có sự khác biệt rõ rệt về kinh phí, chúng ta nhận được loại vũ khí đủ sức vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. Và nếu tính đến rằng tên lửa "Sarmat" được trang bị những đầu đạn hạt nhân này sẽ bay đến tận mục tiêu ở khoảng cách rất xa — thậm chí bay qua Nam Cực, thì người Mỹ càng cần phải hiểu. Hôm nay chúng ta có những phương thức mới để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa, và chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về thành tựu sáng chế mới. Không một hệ thống lá chắn tên lửa nào của Hoa Kỳ có thể chống lại tên lửa của ta. Và nếu người Mỹ ghen tỵ, hãy cứ mặc họ ném tiền theo chiều gió", — ông Viktor Litovkin nhận xét.
Theo lời ông, sáng chế này được khởi động ngay từ thời Liên Xô nhưng nước Nga mới đã đạt thành tựu đưa đến kết quả cuối cùng.
"Ý tưởng đã từng được nêu ra nhưng không thực hiện đến cùng. Hồi những năm 90 tất cả công việc theo hướng này đã phải chấm dứt. Rất tốt là hiện nay công trình sáng chế được phục hồi, mọi khâu đều hoạt động, hiển nhiên là tuyệt vời. Chúng ta đang đứng trên vai người khổng lồ, ở ta có những sáng chế gia tài giỏi, chúng ta có thể khai thác thành công chế tạo vũ khí trong giai đoạn lịch sử mới để bảo đảm an ninh của đất nước", - chuyên viên Viktor Litovkin kết luận.