Nhưng chính phủ Việt Nam muốn đi xa hơn nữa — biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai của quốc gia, tức là dạy tiếng Anh cho người dân Việt Nam để họ có thể sử dụng ngôn ngữ này như cư dân Singapore hay Ấn Độ, ông Piotr Tsvetov viết. Theo mục tiêu này, Việt Nam muốn lên kế hoạch thay đổi chương trình đào tạo, sử dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất và mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy.
Xét theo các bài viết mà ông Tsvetov đã đọc, Ban tổ chức cuộc cải cách này trong trường học Việt Nam khá hiểu biết về công việc và có lẽ họ sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình. Mặc dù đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, so với quy mô của đất nước, nơi có hàng triệu học sinh, cần in số lượng lớn sách giáo khoa mới, cũng như cần tái đào tạo rất nhiều giáo viên. Nhưng có một thực tế là tại Việt Nam có rất nhiều người muốn học tiếng Anh. Và điều này là rất quan trọng, vì động lực là yếu tố chính trong việc học thành công ngôn ngữ nước ngoài.
Còn học tiếng Nga thì theo các phương tiện truyền thông Việt Nam, chỉ có 0,3% học sinh Việt Nam có nguyện vọng. Từ lâu, ông Tsvetov đã biết về thực tế rằng sự phổ biến của tiếng Nga ở Việt Nam đã suy giảm. Điều này phần lớn là do lỗi của phía Nga. Vào đầu những năm 1990, nước Nga dân chủ giảm mạnh quan hệ với Việt Nam, và hiện nay mức độ quan hệ giữa hai nước chúng ta đã không đạt được mức độ từng có vào thời kỳ Xô Viết. Các cam kết của những tổ chức Nga như Bộ Giáo dục và Khoa học, Quỹ "Thế giới Nga" để phát huy ngôn ngữ Nga ở Việt Nam được thực hiện rất kém, đến mức không đáng nhắc đến.
Liệu điều này có nghĩa rằng người Việt Nam nên từ bỏ tiếng Nga hay không? Chắc là không. Các nhà cách mạng Việt học tiếng Nga, bởi vì đó là ngôn ngữ của Lenin — lãnh đạo của giai cấp vô sản thế giới. Tuy nhiên, ngoài các tác phẩm của Lenin, ở Nga có tiểu thuyết tuyệt vời của Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky và Gorky, thơ của Pushkin, Esenin, Simonov và nhiều nhà văn khác. Nhờ những người giỏi tiếng Nga mà các tác phẩm của các nhà văn Nga đã đến với độc giả rộng rãi ở Việt Nam. Một người bạn Việt Nam của ông Piotr Tsvetov là nhà báo kiêm nhà thơ Hồng Thanh Quang thừa nhận rằng kiến thức về tiếng Nga giúp ông dịch thơ Bulgaria và Nhật Bản, vì ông không biết tiếng Nhật Bản và tiếng Bulgaria.
Nhưng ngôn ngữ Nga đâu chỉ cần thiết cho những người yêu văn học. Khoa học Nga được coi là một trong những nền khoa học tiên tiến nhất trên thế giới. Ở nước Nga ngày nay, kết quả nghiên cứu được công bố trong hơn một ngàn tạp chí khoa học, hầu như tất cả số đó được xuất bản bằng tiếng Nga. Do đó, nếu các chuyên gia muốn tìm hiểu về các công trình mới nhất của Nga về vật lý, toán học, hóa học, y học, họ rất cần biết tiếng Nga. Ngoài ra còn có các hình thức sử dụng ngôn ngữ Nga ở Việt Nam — trong công việc của người phiên dịch tại các cơ sở hợp tác, chẳng hạn như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hay hướng dẫn viên với khách du lịch Nga mà ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.
Đối với các tác phẩm của Lenin, độc giả Việt không cần phải biết tiếng Nga: một bộ sưu tập hoàn chỉnh các tác phẩm của Lenin từ lâu đã được dịch sang tiếng Việt và có thể tìm thấy trong mỗi thư viện lớn ở Việt Nam.
Nhưng liệu có thể vì điều đó mà nói lời tạm biệt với ngôn ngữ của Lenin hay không?