Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhận định rằng, quyết định này đã được thông qua có tính đến lợi ích quốc gia. Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, Tòa án Hình sự Quốc tế không đáp ứng được kỳ vọng trở thành một tòa án quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền. Hoạt động của ICC thiếu hiệu quả và có cái nhìn phiến diện. Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, trong 14 năm tồn tại Toà án hình sự quốc tế chỉ ra được 4 phán quyết và tiêu tốn hơn 1 tỷ USD.
Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế có hiệu lực từ năm 2002 đặt cơ sở cho hoạt động của ICC. Nga vẫn chưa phê chuẩn văn kiện này. Như vậy, ICC không thể thực thi thẩm quyền tài phán trên địa bàn LB Nga, cũng như ở Mỹ, Trung Quốc, Ukraina và một số nước khác. Nhân tiện xin nói luôn, vào năm 2000, Mỹ cũng ký vào hiệp ước này, nhưng, đã rút chữ ký của mình vào năm 2002.
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia về luật pháp quốc tế, luật sư Vladislav Orshev cho biết:
"Tôi muốn lưu ý rằng, các quốc gia đáng kể trên thế giới, ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Israel đã phản đối về nguyên tắc ý tưởng thành lập ICC. Họ đã kiên quyết phản đối. Và một đối thủ hăng hái nhất là Mỹ. Bởi vì trong 14 năm hoạt động thường xuyên ICC chỉ ra được 4 phán quyết và tiêu tốn rất nhiều tiền của các nước thành viên. Bây giờ có thể đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của một tòa án như vậy. Nga đã từng tham gia sáng lập Toà án Nuremberg và Toà án Tokyo, hai cơ chế nguyên mẫu của Tòa án Hình sự Quốc tế. Đúng, Nga đã đặt chữ ký của mình dưới Quy chế Rome về sáng lập tòa án này. Nhưng, bất chấp điều đó, Matxcơva không phê chuẩn văn kiện này, và trên thực tế không trở thành một thành viên của ICC. Vào ngày 16 tháng 11 năm 2016, Nga đã đặt dấu chấm hết cho vấn đề tham gia Tòa án hình sự quốc tế. Bản tuyên bố của Bộ Ngoại giao giải thích rõ lập trường của Matxcơva. Và các nước khác nên chấp nhận lập trường đó trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau,"- ông Vladislav Orshev nói.