Thế mà cách đây chưa lâu, còn rất nhiều bàn thảo hứng khởi về viễn cảnh phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, trong đó nhiều ý kiến theo xu hướng cho rằng thực thi TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam.
Việt Nam đánh giá như như thế nào nếu như không có TPP nữa? Sputnik đã nêu câu hỏi này trong cuộc phỏng vấn độc quyền với GS-TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội-Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhân đây xin nói thêm, ông Phạm Quang Minh trước đó từng dự đoán rằng phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ sẽ nghiêng về ứng viên Trump.
Có thể nói khả năng không có TPP nữa là điều không trông đợi đối với các nhà hoạch định chính sách cũng như những người thực thi hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quả là thời gian trước đây TPP đã từng là niềm hy vọng của Việt Nam, bởi nếu như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được triển khai thì nền kinh tế Việt Nam vốn không chỉ phụ thuộc vào một nước nào đó sẽ càng có nhiều cơ hội to lớn hơn, thí dụ xuất khẩu mạnh hơn, tạo ra nhiều chỗ làm việc hơn, công cuộc cải cách có thể tiến hành mạnh mẽ hơn và do vậy nền chính trị của Việt Nam sẽ có những cải thiện. TPP từng là kỳ vọng và mong đợi.
Nhưng bây giờ với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ thì trong triển vọng gần câu chuyện về TPP tạm thời dừng lại. Xét bối cảnh xung quanh Việt Nam, việc TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua trong thời gian tới lại tạo ra cơ may cho những nước khác trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực này, Bắc Kinh bày tỏ nguyện vọng thiết lập một trật tự kinh tế mới, tạo ra một sân chơi kinh tế mới nơi Trung Quốc nắm giữ vai trò quan trọng. Rõ ràng đây là tin vui cho Trung Quốc.
Một quốc gia nữa có liên quan là Nhật Bản, đã rất mong muốn TPP — Quốc hội Nhật Bản thậm chí đã thông qua Hiệp định TPP ngay từ trước khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Thêm nữa Việt Nam đã từng có kinh nghiệm gần như tương tự vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Việt Nam rơi vào tình trạng không còn sự giúp đỡ hỗ trợ rất đắc lực của các nước bạn bè truyền thống. Khi đó, trong Đại hội Đảng CS lần thứ VII, Việt Nam đã tuyên bố "muốn làm bạn với tất cả các nước".
Nhưng tình hình năm 2016 không phải là trầm trọng như năm 1991. Nói thất vọng thì có, nhưng là thất vọng chung về kết quả bầu cử ở Mỹ, còn cụ thể về TPP thì không phải là cái gì quá nặng nề.
Việt Nam là thành viên của ASEAN, tiếp tục cùng các nước trong Hiệp hội xúc tiến thực hiện các đề án hợp tác kinh tế toàn diện. Việt Nam còn đã ký kết tham gia và sẽ thu nhận lợi ích từ nhiều Hiệp định thương mại-kinh tế khác, chẳng hạn như hiệp định với EAEU.
Không có TPP nữa chỉ ảnh hưởng phần nào tới quá trình cải cách của Việt Nam mà thôi và chắc chắn Việt Nam sẽ vượt lên được, — GS-TS Phạm Quang Minh khẳng định.