Ý tưởng của dự án này là để những con vật được tiêm chủng trong tương lai có thể "lây nhiễm" vẵc xin này cho cả đàn gia súc. Nếu đạt thành công, phương pháp này sẽ giúp làm tăng đáng kể hiệu quả của việc tiêm phòng. Tuy nhiên, không nên chờ đợi sự xuất hiện của loại vắc-xin kỳ diệu trong những năm tới.
Các nhà khoa học của Viện VNIIVViM có kế hoạch chế tạo vắc-xin "vĩnh cửu" cho động vật nhai lại: bò, cừu và dê. Các chuyên gia lấy một vi rút sống nhưng bị suy yếu và tương đối an toàn đang lưu hành trong một loài động vật, biến nó thành một vector (virus mang) rồi ghép vào nó các yếu tố di truyền kích thích sự tổng hợp các protein chịu trách nhiệm bảo vệ chống lại các bệnh khác nhau. Như được biết, nhiều loại virus mang những gen này. Các virus như vậy là nhỏ, dễ dàng sao chép và có thể trở thành virus mang.
Giám đốc VNIIVViM Denis Kolbasov cho rằng, sự phát triển của dự án này sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc của toàn bộ ngành công nghệ sinh học.
"Sau khi bắt đầu sử dụng phương pháp tiêm vắc xin chỉ có một lần, nhiều loại virus sẽ chỉ đơn giản biến mất, nhu cầu về một số loại vắc-xin đang được sử dụng mỗi năm sẽ giảm đáng kể", — Denis Kolbasov cho biết.
Ý tưởng tạo ra vắc-xin "vĩnh cửu" đã xuất hiện tại Hoa Kỳ. Kể từ năm 2014, các nhà khoa học từ VNIIVViM cộng tác với các đồng nghiệp Mỹ từ một số trường đại học tại bang Illinois, Nebraska và Connecticut. Phía Nga chủ yếu tiến hành các thí nghiệm trên động vật, bởi vì theo pháp luật Nga việc tổ chức những thí nghiệm như vậy là dễ dàng hơn nhiều so với Hoa Kỳ.