Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, thành viên đoàn đại biểu Thổ Nhĩ Kỳ tại phiên họp APA, Phó Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nghị sĩ của Đảng Công lý và Phát triển (AKP), ông Ahmet Aydin bình luận về kết quả của hoạt động này, cũng như về quá trình phát triển quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các khu vực châu Á và châu Âu.
Ông Aydin nhấn mạnh rằng, Hội đồng Nghị viện Châu Á là một trong những cơ chế quốc tế lớn nhất, là một tổ chức lớn nhất trong số các nghị viện trên thế giới. Ông nhắc nhở rằng, tổ chức này có 42 quốc gia thành viên và 26 quan sát viên. Ông Aydin nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò to lớn của khu vực châu Á.
"Ở châu Á ghi nhận xu hướng tăng trưởng ở mức cao nhất"
"Các vùng lãnh thổ từ Trung Quốc đến Ấn Độ, từ Nga đến Iran, từ Pakistan đến Malaysia và Indonesia đều là các khu vực đông dân nhất trên thế giới. Hơn 65% dân số thế giới sống ở châu Á. Các cầu thủ quan trọng nhất trong khu vực là các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Ấn Độ đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhìn chung, ở các vùng lãnh thổ từ Malaysia, Indonesia, Iran và Azerbaijan đến các nước Trung Á đã ghi nhận xu hướng tăng trưởng ở mức rất cao,"- ông Aydin nói.
Trung tâm sức mạnh toàn cầu đang di chuyển về phía châu Á
"Hôm nay có thể thấy rõ rằng, trung tâm sức mạnh toàn cầu và lực hấp dẫn lớn nhất đang di chuyển sang châu Á. Hành lang năng lượng nằm ở đó, con đường tơ lụa đi qua khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ sắp hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường sắt đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nối liền châu Âu với châu Á. Đây là một khu vực với nền thương mại phát triển ở mức cao nhất. Ngoài ra, chúng ta thấy rằng, ngành nông nghiệp và ngành chăn nuôi đang phát triển tích cực trong khu vực, quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra với nhịp độ cao. Ví dụ, trên thực tế khu vực Ấn Độ đứng số một trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Và Trung Quốc cũng tiếp tục tăng trưởng. Các quốc gia khác đang cố gắng đuổi kịp các nước đó về mức tăng trưởng.
Ở châu Á, chúng tôi đã thấy những biểu hiện của sự thiện cảm và tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ở châu Á có tổ chức SCO. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một thành viên của tổ chức này, nhưng, chúng tôi đảm nhận vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng của SCO. "
Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APA
"Chúng tôi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APA trong hai năm tới. Có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Á cho đến năm 2019. Trong thời gian này, hai kỳ họp của tổ chức này sẽ tiến hành trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi cho rằng, trong hai năm tới, tại khu vực mà chúng tôi cũng giữ chức Chủ tịch Câu lạc bộ Năng lượng, nơi chúng tôi có mối liên hệ lịch sử và văn hóa rất phong phú, sẽ diễn ra những sự kiện có ý nghĩa to lớn, "- ông Aydin cho biết.
FETO đã được công nhận là một tổ chức khủng bố
Nói về mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU đang trải qua một giai đoạn phức tạp, ông Aydin cho biết: "Chúng tôi thấy rõ châu Âu đang xem xét Thổ Nhĩ Kỳ dưới góc độ nào. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng mối quan hệ để phục vụ lợi ích của mình, có tính đến khía cạnh lương tâm và khía cạnh nhân đạo. Chúng tôi đã nộp đơn xin gia nhập EU nhiều năm trước đây, sớm hơn rất nhiều so với những thành viên mới của EU. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ Copenhagen và các tiêu chuẩn kinh tế Maastricht sớm hơn nhiều nước khác, nhưng, EU vẫn buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện những nỗ lực vô ích dưới những cớ khác nhau. EU cố ý kéo dài quá trình đàm phán.
Hôm nay chúng ta thấy rằng, Liên minh châu Âu đang bị tước đoạt các giá trị châu Âu, mà chính họ đã từng bảo vệ. Cuối cùng, nếu chúng tôi đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì việc gia nhập hoặc không gia nhập EU sẽ không phải là điều quá quan trọng.
Một loạt tổ chức quốc tế có thái độ tôn trọng Thổ Nhĩ Kỳ, đánh giá cao uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại với tất cả các cơ chế này. Điều chính là tương lai của đất nước, đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ có nền dân chủ và kinh tế thịnh vượng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả mọi thứ cần thiết để đạt được mục đích này. "