Một phụ huynh là Inna Gerasimova nói với nhật báo Kommersant rằng, bà và các phụ huynh khác đã quyết định viết khiếu nại sau khi họ làm quen với cuốn giáo khoa môn "Những nền tảng văn hóa tinh thần và đạo đức của các dân tộc Nga".
"Bản thân tôi là một người vô thần, nhưng những người theo đạo cũng phải bất bình. Một nửa các gia đình có con học tại trường chúng tôi theo Hồi giáo, vì đây là khu nhà mới của Moskva," — bà Gerasimova nói.
Bà lưu ý trong trường cũng có học sinh là con em các gia đình "Do Thái giáo cũng như Công giáo La Mã, Cơ đốc Phục Lâm."
Theo những người khiếu nại, cuốn giáo khoa nhan đề Istok (Ngọn nguồn) "không ngừng nhắc đến ma quỷ, nước thánh, các thiên thần hộ mệnh" như những điều hiển nhiên, về "phép lạ diễn ra nhờ ảnh thánh và nước thánh".
Các phụ huynh cho biết họ đã tới Phòng Giáo dục để chỉ ra những sai sót trong sách giáo khoa, nhưng được trả lời là việc giải quyết khiếu nại đã chuyển cho lãnh đạo trường. Ở trường cho biết sách giáo khoa là đề xuất từ Phòng Giáo dục. Kết quả, các phụ huynh đã viết đơn khiếu nại tập thể gửi văn phòng Công tố.
Đại diện Công tố Moskva chưa thể xác nhận việc cơ quan này đã nhận được đơn khiếu nại.
Môn học "Nền tảng văn hóa tinh thần và đạo đức của các dân tộc Nga" được đưa vào chương trình chính khóa từ lớp 5 đến lớp 9 từ năm 2015. Các phụ huynh có thể chọn cho con mình học theo sách Văn hóa Chính thống giáo hoặc Cội nguồn. Sách Cội nguồn đang được áp dụng cho học sinh phổ thông ở 62 tỉnh thành và khu vực của LB Nga. Các sách giáo khoa về văn hóa Hồi giáo và Phật giáo cũng có tùy vào nhu cầu của từng khu vực, cũng như sách giáo dục đạo đức và lịch sử các nền tôn giáo thế giới.
Hiến pháp qui định Liên bang Nga là một nhà nước phi tôn giáo và chính quyền không được phép tỏ thái độ ưu tiên với bất kỳ tôn giáo nào, cũng cấm áp đặt hạn chế quyền tự do tôn giáo của công dân Nga.
Tòa án tối cao Nga trước đó đã bác đơn của các nhóm người Hồi giáo khiếu nại việc cấm phụ nữ Hồi giáo mang khăn trùm đầu, được áp dụng từ mùa thu năm ngoái trong các trường phổ thông ở hai tỉnh Stavropol và Mordovia. Tòa án phán quyết rằng biện pháp này không hề cản trở đức tin của giáo dân đạo Hồi và không vi phạm các quyền hiến định của họ.