Những bài ca cách mạng hay nhất theo phương án của Sputnik

© Ảnh : Youtube/ScreenshotLenin_2
Lenin_2 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sputnik Việt Nam tiếp tục giới thiệu với các bạn những kiệt tác di sản âm nhạc Nga.

Cách mạng không chỉ đơn thuần là cuộc bạo động, là ly nước kiên nhẫn của lòng dân đầy tràn hay ung nhọt tích tụ những mâu thuẫn. Cuộc cách mạng thực sự là sự bùng nổ xã hội làm thay đổi thế giới, lịch sử loài người tiến bước tới những chân trời chưa hề biết.

Tinh thần quả cảm, nhiệt huyết, ước ao những điều mới mẻ đã ghi lại dấu ấn vào các ca khúc cách mạng vĩ đại. Nhiều bài hát vô sản được ra đời ở châu Âu đã được giai cấp vô sản Nga bắt nhịp (như "Quốc tế ca", "Varshavyanka", "Bài ca Marseille"). Những người lao động Nga đưa bản sắc sôi nổi đậm tính dân tộc vào các giai điệu cách mạng quốc tế, chuyển đổi ý nghĩa theo kinh nghiệm đấu tranh mà họ tích lũy.

Đồng thời, không ít những bài hát tuyệt vời về đấu tranh giải phóng ("Dubinushka") đã vươn lên từ nghệ thuật dân gian.

Hầu hết các bài hát cách mạng Nga trở thành những giai điệu cực kỳ phổ biến và không ngừng thay đổi, tồn tại với nhiều phiên bản, đôi khi khác xa ý tưởng ban đầu. Nhưng chúng phản ánh rõ tính cách Nga rộng mở, yêu tự do, đầy sức sống và ý chí của con người Nga.

Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn Top 5 ca khúc cách mạng Nga theo Sputnik.

 

1. Bài ca Marseille của công nhân

      Cuộc cách mạng vĩ đại đầu tiên — Cách mạng Pháp (1789-1799) — đã ban cho thế giới một bài hát cách mạng vĩ đại đầu tiên. Mặc dù có tác giả cụ thể — Claude Joseph Rouget de Lisle, nhưng có thể nói rằng, "Marseillaise" được viết bởi chính lịch sử.

      Khi được nghe bản tiếng Nga của "La Marseillaise", câu hỏi về tính cách mạng của nó sẽ lập tức biến mất. Tuy nhiên, bản tiếng Nga xuất hiện khá muộn, vì ban đầu "Marseillaise" được hát bởi giới quý tộc Nga vốn biết Pháp ngữ không khác gì tiếng mẹ đẻ.

       Bản tiếng Nga của "Marseillaise" được Piotr Lavrov, một nhà cách mạng và thành viên Công xã Paris viết vào năm 1875. Tuy không theo đúng nguyên bản tiếng Pháp nhưng khí thế cách mạng hào hùng đã được thể hiện rất rõ ràng:

"Hãy từ bỏ thế giới cũ!

Giũ bụi khỏi đôi chân chúng ta!

Chúng ta căm ghét những thần tượng bằng vàng;

Chúng ta căm hờn lâu đài của sa hoàng!

… Và năm tháng tự do sẽ đến,

Dối trá sẽ biến mất, cái ác bị diệt vong mãi mãi,

Các dân tộc sẽ hợp nhất

Trong vương quốc lao động thần thánh tự do."

     Âm nhạc cũng có sự thay đổi, dưới sự chỉnh lý của Alexander Glazunov bài hát trở nên giản dị hơn, trang nghiêm hơn và gần gũi hơn với hành khúc ca. Bản này được gọi là "Bài ca Marseille của công nhân".  Một thời gian dài, đó là bài hát "cách mạng chung" của các phong trào cách mạng Nga. Như một nhân chứng vụ xử bắn hai nữ chiến sĩ cách mạng năm 1906 kể lại: "Họ đã hát vang sáu phút. Trong lúc ấy, chuyện kỳ lạ xảy ra với những người lính. Lần đầu tiên khi có lệnh "Bắn!", không thấy tiếng súng. Lệnh lần thứ hai — họ bắn xuống chân nên những viên đạn găm vào đất… Nghe tiếng hát "Marseillaise" Nga, nhiều người lính đã khóc."

     Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1917, bài hát được dùng như quốc ca Nga. Có lẽ truyền thống này đã được tiếp tục sau Cách mạng Tháng Mười nếu không phải vì "Bài ca Marseille của công nhân" có một đối thủ xứng đáng là bài "Quốc tế ca".

     Cho tới nay, nguyên bản "La Marseillaise" vẫn là quốc ca của Pháp.

2.   Quốc tế ca (L'Internationale)

 "Quốc tế ca" cũng như "Bài ca Marseille" đã ra đời ở Pháp, nhưng vào thời Công xã Paris 1871. Công bằng mà nói, nó được gọi là "Bài hát của những bài hát cách mạng xã hội chủ nghĩa". Tác giả phần lời là người thợ vẽ tranh trên vải Eugène Pottier. Người ta cho rằng ban đầu lời của "Quốc tế ca" được hát với giai điệu "Bài ca Marseille". Tới năm 1888, thơ của Pote lọt vào mắt nhà soạn nhạc nghiệp dư Pierre Degeyter và chỉ hai ngày sau phần nhạc được hoàn chỉnh — gian truân, dữ dội, nhưng không thể lay chuyển, giống như sự tận trung của "thế giới cũ". Sau buổi ra mắt đầu tiên bài hát lập tức được quần chúng hưởng ứng.

  Năm 1902, Arkady Kotsem đã soạn bản dịch tiếng Nga từ lời thơ của Pottier. Lời Nga càng thôi thúc và hiệu triệu người nghe hơn, bài hát có hình dáng một ca khúc chính thức. Năm 1905, chiếm lĩnh sự hâm mộ của các nhà cách mạng và người lao động, "Quốc tế ca" đã lấn dần vị trí của "Bài ca Marseille". Dù chẳng có quy định đặc biệt nào nhưng "Quốc tế ca" liên tục được hát sau các kỳ họp đại hội Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga. "Quốc tế ca" vang lên khi Lenin từ nước ngoài về đến sân ga Phần Lan ở St. Petersburg vào tháng 4 năm 1917, cũng như tại Đại hội II Xô viết tuyên bố thắng lợi cách mạng và kết thúc chiến tranh ngày 8 tháng 11 năm 2017.

  Vladimir Lenin, lãnh tụ của những người Bolshevik cũng có cảm tình đặc biệt với ca khúc và nhiều lần đã chỉ ra trong các bài viết về sức mạnh đoàn kết của "Quốc tế ca": "Một người công nhân có ý thức dù bị số phận đưa đẩy đến bất cứ quốc gia nào, dù anh ta có cảm thấy mình là kẻ lạc lõng không biết ngôn ngữ, không có người thân, xa quê hương — nhưng sẽ vẫn tìm được đồng chí, bạn bè theo giai điệu quen thuộc của "Quốc tế ca".

 Kể từ đầu năm 1918, "Quốc tế ca" trở thành quốc ca của nhà nước Xô viết và sau đó là Liên Xô. Khi Liên Xô có quốc ca mới năm 1944, "Quốc tế ca" được Đảng Cộng sản toàn Liên bang (Bolshevik), sau này là Đảng Cộng sản Liên Xô lấy làm đảng ca.

 Năm 1966, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Mặt trăng do Liên Xô phóng đã truyền về Trái đất âm thanh của "Quốc tế ca".

 Ngày nay ở Nga, Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) và Đoàn Thanh niên Cộng sản cách mạng vẫn chọn "Quốc tế ca" làm bài hát chính thức.

 

3. "Varshavyanka"

Không phải ngẫu nhiên mà bài hát này được đặt tên là Varshavyanka (cô gái Varsava). Bài hát có xuất xứ từ Ba Lan, do nhà thơ Vaclav Sventsitsky viết lời, phần nhạc dựa vào một ca khúc không rõ tác giả thuộc giai đoạn khởi nghĩa Ba Lan 1863-1864.

Tác giả lời Nga được coi là Gleb Krzyzanovski, một người bạn chiến đấu của V.I. Lenin, sau này trở thành nhà khoa học Xô viết. Lời ca được Krzyzanovski thai nghén khi ông ngồi trong khám giam Butyrka dành cho những người tù chờ đi đày vào năm 1897. Sáu năm sau, lời bài hát đã được in. Varshavyanka bản tiếng Nga giúp cho bài hát nhanh chóng được dịch sang các ngôn ngữ láng giềng. Ca khúc được quần chúng yêu thích: kêu gọi đấu tranh, đứng bên chiến hào. Người ta hát Varshavyanka từ thời Cách mạng Tư sản Nga lần thứ nhất (1905) cho đến khi kết thúc Nội chiến (1917-1922/1923).

Varshavyanka là ví dụ điển hình của một bài hát trở thành ca khúc đấu tranh cho phe đối lập mọi thời đại.

 Tên gọi Varshavyanka còn được đặt cho lớp tàu ngầm diesel-điện Kilo nguy hiểm do Nga sản xuất và đang tham gia phục vụ tại căn cứ hải quân Việt Nam ở Cam Ranh. Nhưng đấy là câu chuyện hoàn toàn khác, không liên quan đến bài hát cách mạng Varshavyanka.

4. "Can đảm nhịp bước, hỡi các đồng chí"

 Hành khúc được soạn bởi Leonid Radin, một nhà khoa học tài năng và nhà cách mạng Marxist tại nhà tù Taganka năm 1898, theo mô típ giai điệu "Thời gian từ từ chuyển động" của sinh viên Phổ ra đời trên những vùng đất Phổ bị Napoleon chiếm đóng. Cùng năm đó, "Can đảm nhịp bước, hỡi các đồng chí" đã bay đến thị trấn Shushenskoye, nơi Vladimir Lenin đang bị đày, được nhà lãnh đạo cách mạng Bolshevik tương lai phấn khởi đón nhận và thậm chí thỉnh thoảng ngâm nga.

   Bài hát được in và mau chóng lan rộng.

   "Can đảm nhịp bước, hỡi các đồng chí" đặc biệt trở nên phổ biến trong thời gian các cuộc cách mạng năm 1917, được người ta phóng tác lời mới. Ví dụ, trong cuộc Cách mạng Tư sản dân chủ tháng 2 năm 1917 có thể nghe thấy lời ca "Ý nguyện nhân dân đã được thực hiện…", nhưng đến đầu cuộc Nội chiến (tháng 11 năm 1917) những người Bạch vệ ở miền Nam Nga hay còn được gọi là lính Kornilov đã hùng dũng ngân vang "Can đảm nhịp bước, hỡi những chàng Kornilov!" Sau này, phiên bản Bolshevik mới trở thành kinh điển.

  Sau năm 1917, "Can đảm nhịp bước, hỡi các đồng chí" là hành khúc ca yêu thích của Lực lượng Hồng quân non trẻ.

 Nguyên bản phần nhạc cũng không bị lãng quên. Tại Đức, bài ca sinh viên đã được chuyển sang cho tổ chức "Mũ Sắt" của các cựu chiến binh Thế chiến I (1914-1918). Chẳng bao lâu sau, nó được hát không chỉ bởi những người cộng sản Đức mà cả người Đức quốc xã. Không những vậy, cả hai nhóm này đều dùng lời dựa vào bản tiếng Nga. Chỉ khác là những kẻ phát xít thêm vào các dòng viết về chữ thập ngoặc, những tên Do thái hiểm độc và Hitler vĩ đại. Đó là nguyên nhân dẫn tới kết cục đáng buồn cho bài hát này. Sau khi phát xít Đức bị đập tan, "Can đảm nhịp bước, hỡi các đồng chí" đã bị cấm.

5. Dubinushka

 "Dubinushka" là một ca khúc cách mạng nổi tiếng xuất hiện vào những năm 1860 trên cơ sở bổ sung và chỉnh lý bài dân ca cùng tên. "Dubinushka" dân gian không có cốt truyện tự sự, phục vụ người hát như một "công cụ" khi cần thúc đẩy nhịp độ lao động. Ban đầu đó là bài hát kể về việc nhổ cây dọn đất canh tác. Người nông dân đốn đứt rễ cây, sau đó họ kéo dây thừng đã được buộc vào ngọn cây — thế là "Dubinushka" — thân cây "tự đổ". Điệp khúc của "Dubinushka" dân gian được chuyển thành bài hò của những đội thợ kéo thuê thuyền bơi ngược dòng (một nghề thinh hành khoảng thế kỷ XVI đến thế kỷ XX).

  Trong giới công nhân rất thịnh hành ca từ dân gian của "Dubinushka" do Alexander Olkhin soạn vào năm 1885. Ông là một luật sư tham gia bảo vệ vài vụ án chính trị. Olkhin liên tục bị truy lùng và trừng phạt. Chính quyền muốn trục xuất Olkhin đến những nơi sống xa xôi, nhưng ông không muốn tuân thủ lệnh của cảnh sát.

  "Dubinushka" cũng được hát trong những buổi hội họp sinh viên, các cuộc biểu tình; trở thành bài ca của công nhân, thợ thủ công, sinh viên và những người lính. Ca từ có thể được biến đổi nhưng giữ nguyên tính mạnh mẽ, hào hùng của "Dubinushka", kêu gọi nổi dậy làm cách mạng. Trải qua những năm tháng thăng trầm "Dubinushka" dân gian của thế kỷ XX có những lời:

         Thời khắc đã đến — và nhân dân tỉnh giấc

         Ưỡn thẳng tấm lưng lực lưỡng…

Sự nổi tiếng đặc biệt đến với "Dubinushka" là nhờ giọng hát của ca sĩ opera Fyodor Shaliapin vào năm 1905 và kể từ đó bài hát trở thành tiết mục yêu thích của nhiều ca sĩ, diễn viên. Ví dụ, theo yêu cầu của Hội Quốc Liên năm 1922 nhà soạn nhạc Tây Ban Nha Manuel de Falla đã viết bản phối nhạc cho phương án dân gian của "Dubinushka". Mục tiêu là quyên góp quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân Thế chiến I. Ca khúc cũng được ca sĩ cổ điển Paul Robeson — một nghệ sĩ người Mỹ chú ý đến. Phối âm jazz do dàn nhạc Glenn Miller biểu diễn đã giành vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ năm 1941.

 

 

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала