Kinh phí hoạt động những năm đầu tiên của Tạp chí PI là số tiền từ giải thưởng Fields mà GS Ngô Bảo Châu nhận được từ năm 2010. Tổng Biên tập tạp chí PI là GS Hà Huy Khoái, nhà Toán học nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam từng bảo vệ xuất sắc luận án TSKH tại Nga.
Tạp chí sẽ ra số đầu tiên vào 10/1/2017.
Tại buổi lễ hôm nay, GS Ngô Bảo Châu đã kể về niềm đam mê tuổi thơ của những người học Toán, làm Toán như ông gắn liền với những tờ tạp chí toán học như Toán học tuổi trẻ (ở Việt Nam) những năm 70-80 của thế kỷ trước hay như tờ Kvant của Liên Xô cũ, tờ Math Monthly của Mỹ.
"Chính những tờ báo này đã dung dưỡng niềm đam mê toán học của những người làm toán" — GS Châu chia sẻ. "Chính vì vậy, cộng đồng toán học Việt Nam đã từ lâu đã mong muốn cho ra mắt một tờ báo toán học có nội dung nghiêm túc, sâu sắc nhưng cũng thân thiện, phù hợp với lứa tuổi học sinh, sinh viên".
GS Châu cho biết, ý tưởng ra mắt Tạp chi PI bắt đầu từ một buổi tọa đàm cách đây 3 năm do Viện Toán học Việt Nam tổ chức. Mọi người đều thống nhất là cần phải ra mắt một tạp chí về Toán học, song sau đó ai làm và làm thế nào thì chưa rõ. Trong khi đó, thủ tục hành chính để ra đời một tạp chí cũng không đơn giản. Phải đợi đến 3 năm thì Tạp chí PI mới có thể hình thành.
GS Châu cũng chia sẻ, TS Trần Nam Dũng (cựu LHS trường ĐHTH Lomonosov Matxcơva, hiện công tác tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng là người theo đuổi ý tưởng ra mắt tạp chí này từ đầu. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, TS Trần Nam Dũng đã cho ra mắt tạp chí Epsilon tương tự tạp chí PI bằng phiên bản điện tử.
Tạp chí Epsilon đã hoạt động được 2 năm nay và ra tới số 12. Số gần đây nhất có lượng người tải về hơn 10.000. Đây là tín hiệu tốt để những người tham gia Tạp chí PI yên tâm hơn với sự đón nhận của độc giả.
GS Ngô Bảo Châu hy vọng Tạp chí PI sẽ là cầu nối chặt chẽ của những người làm toán chuyên nghiệp, các GS đại học, các thầy cô đạy toán ở phổ thông và đặc biệt là các em nhỏ yêu Toán học ở Việt Nam.
Nguồn: vietnamnet.vn