Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ ngành bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng nhận định những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, "đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ". "Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân", Thủ tướng nói.
Đại diện một số bộ ngành cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát hiệu quả sự phát triển đô thị, điều chỉnh các quy hoạch như bệnh viện, trường học, cơ quan, trước mắt rà soát ngay chung cư cao tầng ở nội đô; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao.
Bên cạnh việc tổ chức lại giao thông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân; tăng cường vận tải hành khách; chuyển cơ sở sản xuất khỏi nội thành, dành chỗ cho dịch vụ công cộng.
Nhất trí với các giải pháp mà đại biểu nêu tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội, "chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra", "tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc" và cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân.
"Trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung", Thủ tướng nói và đồng tình với việc Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên huy động nguồn lực trong nước, để không làm tăng nợ công.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững và từ kinh nghiệm của Hà Nội, Chính phủ sẽ làm việc với TP HCM để giải quyết tình trạng ùn tắc. "Yêu cầu đặt ra là có lộ trình kiên quyết hơn, hiệu quả hơn. Không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội", ông nói.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Hà Nội quan tâm các biện pháp chống ùn tắc dịp Tết Nguyên đán, dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến lậu, "không để người dân nào vì thiếu phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết", đồng thời đánh giá tính hiệu quả của buýt nhanh để có lịch trình hoạt động hợp lý nhất.
Theo báo cáo của Hà Nội, năm 2016, thành phố đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, tình trạng này phát sinh trở lại 4 điểm cũ và thêm mới 13 nâng tổng số nút ùn tắc lên 41 điểm.
Nguồn: dantri.com