Tờ Global Times đưa tin này vào ngày thứ ba. Thông tin này đã gây ra sự quan tâm lớn của truyền thông thế giới. Trong bài bình luận dành cho Sputnik, chuyên viên quân sự Nga Vasily Kashin đã nêu một vài nhận xét về diễn tiến trên bình diện này.
Ngay từ tháng 12, trên mạng Internet của Trung Quốc và một số diễn đàn quân sự đã xuất hiện bức ảnh cho thấy xe chở tên lửa đạn đạo liên lục địa. Truyền thông Trung Quốc giải thích thêm rằng, xe chở tên lửa đang trên đường tới thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, gần biên giới với LB Nga. Bệ phóng trên xe chở đa trục khác với hình ảnh nổi tiếng của bệ phóng di động của các tên lửa liên lục địa DF-31 và DF-31A. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc công bố những hình ảnh của bệ phóng đặc biệt này. Trong năm 2015 trên mạng Internet của Trung Quốc đã xuất hiện những hình ảnh chất lượng cao, và một số hình ảnh chất lượng thấp đã xuất hiện sớm hơn.
Sau khi phân tích các bức ảnh đó, một số chuyên gia đi đến kết luận rằng, đây là phiên bản di động của tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Trung Quốc — DF-41. Những hình ảnh cũ đã gây ra sự quan tâm nhất định, nhưng, chủ yếu trong giới chuyên gia. Song, lần này, các phương tiện truyền thông Hồng Kông đã viết bài về tên lửa này, bao gồm cả tờ Apple Daily. Dựa theo nguồn trích dẫn không được chỉ rõ "các phương tiện truyền thông nước ngoài và các trang web quân sự đại lục", tờ báo đưa tin về việc triển khai 3 lữ đoàn tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41. Tờ báo lưu ý, một lữ đoàn được cho là triển khai ở thành phố Tín Dương thuộc tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, một lữ đoàn khác được triển khai tại thành phố Đại Khánh thuộc tỉnh Hắc Long Giang gần biên giới với Nga, lữ đoàn tên lửa thứ 3 sẽ được triển khai tại khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ ở phía tây bắc Trung Quốc.
Không phải là hiếm khi các phương tiện truyền thông Hồng Kông nói lên những suy đoán khác nhau về chủ đề quân sự-kỹ thuật. Tuy nhiên, lần này thông tin này đã xuất hiện trên tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ báo đã đăng bài xã luận mang giọng điệu hung hăng về nội dung này, trong đó khẳng định rằng, với tên lửa mới Trung Quốc sẽ được "tôn trọng hơn". Đây là một động thái quen thuộc của các phương tiện truyền thông Trung Quốc: hợp thức hóa thông tin về tầm quan trọng lớn của công nghệ quân sự mới. Trước đây báo chí Trung Quốc cũng đã sử dụng thông tin về các hệ thống quân sự quan trọng khác, chẳng hạn như máy bay chiến đấu J-20, xuất hiện trên các diễn đàn của Hồng Kông và nước ngoài.
Rõ ràng là các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn để thông tin này có tiếng vang chính trị to lớn, và họ đạt được mục đích này. Dù quá trình phát triển và sản xuất DF-41 đã kéo dài nhiều năm liền, Trung Quốc công bố thông tin về nó gần như ngay sau khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, mà ông Trump có những tuyên bố chống Trung Quốc mạnh mẽ. Bằng cách này Trung Quốc gửi một tín hiệu chính trị quan trọng đối với Hoa Kỳ.
Nếu sự kiện đó thực sự xảy ra, thì các tên lửa Trung Quốc không thể ảnh hưởng đáng kể đến an ninh của Nga. Đã từ lâu hầu hết các thành phố của Nga nằm trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc, mà Bắc Kinh sở hữu nhiều tên lửa với độ chính xác cao. Lữ đoàn tại tỉnh Hắc Long Giang tập trung chủ yếu vào các mục tiêu tấn công trên Bờ Đông Hoa Kỳ. Việc Trung Quốc bắt đầu triển khai tên lửa DF-41 thế hệ mới theo công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) làm gia tăng mối nguy cơ hạt nhân từ phía Trung Quốc đe dọa Hoa Kỳ và sẽ đòi hỏi phản ứng nghiêm trọng từ phía Mỹ.