Tùy theo lợi ích trước mắt của Hoa Kỳ, bất kỳ nhân vật chính trị, bất kỳ quốc gia và khu vực được đánh giá tốt hay xấu. Và tùy theo cách đánh giá Mỹ thay đổi về cơ bản thái độ đối với họ. Một ví dụ nổi bật là Việt Nam:
"Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Nhật Bản — kẻ thù chính của Mỹ — chiếm đóng Việt Nam, Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ bất cứ ai ở Việt Nam, thậm chí Mặt trận Việt Minh, chỉ cốt để lực lượng này chống lại Nhật Bản. Nhưng, sau thất bại của Nhật Bản, Hoa Kỳ đi đến kết luận rằng bây giờ kẻ thù chính của họ ở Việt Nam là cộng sản, mặc dù Washington đã hợp tác với những người cộng sản Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Và xu thế này đã tiếp tục trong 20 năm nữa đến tận sự thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh đẫm máu do chính Mỹ gây ra. Song, trong năm 1995 Washington quyết định rằng, việc thay đổi về cơ bản chính sách theo hướng Việt Nam sẽ phục vụ lợi ích của họ, và Mỹ lại một lần nữa thực hiện bước ngoặt".
Giáo sư Kolotov nhắc nhở về diễn biến tình hình ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đã sử dụng Ngô Đình Diệm như một dự trữ quan trọng để chống lại cộng sản. Tuy nhiên, khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Mỹ quyết định từ bỏ con bài này. Ông ta đã bị ném ra và trở nên vô dụng y như Saddam Hussein của Iraq, người trong chín năm liền đã chiến đấu chống Iran theo chỉ thị của Mỹ. Hoa Kỳ đã từ chối cam kết bảo vệ ngụy quyền Sài Gòn cũng như các chế độ bù nhìn khác, và công bố học thuyết Guam.
Hoa Kỳ theo đuổi lợi ích riêng của mình. Thái độ của Mỹ đối với lãnh đạo các quốc gia khác, đối với các nước và khu vực khác, thậm chí đối với các dự án toàn cầu do chính Hoa Kỳ khởi xướng, giống như thái độ "vắt chanh bỏ vỏ", được sử dụng chừng nào có nhu cầu, sau đó — ném vào thùng rác. Điều tương tự xảy ra với TPP. Các nhân vật chóp bu trong các tập đoàn tài chính Hoa Kỳ đã vắt quả chanh TPP vì mục đích chính của họ là chuyển các ngành công nghiệp "bẩn" sang các nước thế giới thứ ba, sau đó bán ra hàng hóa sản xuất ở đó với lao động giá rẻ trong các nước giàu nhất thế giới. Bản chất của TPP là củng cố quyền lực toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia có trụ sở tại Mỹ. Theo TPP, các đối tác khác tham gia hệ thống trao đổi kinh tế không đồng đều phải được kiểm soát, trên thực tế, không phải bởi chính phủ nước mình mà bởi các nhà quản lý của các công ty có trụ sở tại Mỹ.