Kể từ năm 2010 hơn 400 lưu học sinh Việt Nam đã tới Nga để nắm vững kiến thức trong ngành nguyên tử. Trung tâm đào tạo lớn nhất được thành lập trên cơ sở Đại học Tổng hợp quốc gia nghiên cứu về hạt nhân (MIFI) và chi nhánh của trường ở Obninsk, ngoại ô Matxcơva. Chính tại Obninsk đã tiến hành lễ tốt nghiệp và trao bằng cho nhóm đầu tiên lưu học sinh Việt Nam.
Sự kiện này có ý nghĩa lớn không chỉ cho các bạn Việt Nam mà còn cho trường đại học này. Trên thực tế đây là lần đầu tiên trong lịch sử của trường đại học cả nhóm lưu học sinh được nhận bằng tốt nghiệp, trước đây chỉ có những cá nhân nước ngoài. Trước thềm lễ tốt nghiệp, tại đây đã khánh thành Phòng Hữu nghị quốc tế, nơi lưu giữ những "hòn gạch" ban đầu góp phần xây dựng nền khoa học đỉnh cao cho Việt Nam.
Trong thời gian sáu năm rưỡi, các sinh viên Việt Nam, như thường nói ở Nga, đã "kiên trì gặm nhấm tảng đá hoa cương khoa học". Chất lượng đào tạo trong MIFI là rất cao, — ông Nguyễn Trung Hà, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, cho biết khi trả lời phỏng vấn của Sputnik, — Đại sứ quán hường xuyên theo dõi quá trình học tập của lưu học sinh. Chương trình đào tạo và thực tập là rất phong phú và đa dạng. Không phải tất cả các lưu học sinh nhận được bằng tốt nghiệp, một số người đã bỏ học. Chỉ còn lại những sinh viên giỏi nhất.
25 chàng trai và 3 cô gái đã nhận được bằng tốt nghiệp. Trong số năm người được vinh danh sinh viên tốt nghiệp ưu tú với tấm bằng "đỏ" có anh Nguyễn Trị. Trả lời phỏng vấn của Sputnik, anh Trị rất phấn khởi nói rằng, ngày hôm nay là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời mình. Quá trình học tập là khó khăn, nhưng rất thú vị. Bây giờ anh hâm mộ ngành năng lượng hạt nhân và muốn có việc làm theo nghề nghiệp mặc dù Việt Nam đã từ chối dự án năng lượng hạt nhân.
Các sinh viên Việt Nam đầu tiên chuyên ngành năng lượng điện hạt nhân cũng như những lưu học sinh tương lai có lĩnh vực nghề nghiệp rộng lớn. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik Phó Hiệu trưởng Oleg Nagornov giải thích:
"Nhóm sinh viên vừa nhận được bằng tốt nghiệp có kiến thức nền tảng tốt, họ đã thực tập tại các cơ sở hàng đầu của ngành năng lượng hạt nhân và có thể làm việc trong những lĩnh vực khác nhau của nền khoa học cơ bản, trong lĩnh vực công nghệ cao và máy tính, trong y học hạt nhân. Nhờ nền tảng vững chắc trong các môn khoa học như vật lý và toán học cũng như nhờ nghề kỹ sư, họ luôn có thể tìm nơi làm việc tại các nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện, trên các công trường xây dựng, trong lĩnh vực quản lý công nghệ. Họ có khả năng đề xuất sáng kiến mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ".
Trong năm tới, tường MIFI sẽ cấp bằng tốt nghiệp cho 64 lưu học sinh Việt Nam. Hiện nay ở đây có 200 sinh viên được Việt Nam cử đi đào tạo chuyên ngành năng lượng hạt nhân.