Toà nhà gồm phần lớn là những blok hai phòng, căn bếp chung ở quãng giữa tầng, một thang máy cũ cà rịch cà tang chuyên cần lên xuống. Những ông bảo vệ nghiêm nghị gác ngay lối ra vào, những bà trực tầng luôn bận rộn thấp thoáng đó đây… Và "ốp" này luôn có lớp cư dân khá đặc biệt là các NCS, TTS từ những quốc gia khác nhau tới nghiên cứu tại các Viện.
Nhiều người Việt thời hiện đại thích câu thơ của Chế Lan Viên "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở — Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn". Toà KTX của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà, mà đã thành cả một miền ký ức luôn tươi xanh trong tâm tưởng bao nhiêu trí thức Việt Nam các thế hệ. Qua những năm tháng học tập trên đất Nga với những kỳ thi, thư viện, luận án…họ đã thành tài để trở về Tổ quốc với những tấm bằng công nhận trình độ khoa học-chuyên môn. Đây còn là nơi những đại diện trí thức Việt Nam hiểu biết hơn về người Nga và xã hội Nga đương thời, từ bà tạp vụ bình dị ân cần cho đến người thầy Nga nghiêm túc trong khoa học và bao dung cảm thông trong đời thường. Để yêu mến, kính trọng hơn với đất nước và con người Nga. Để cách này cách khác biến tri thức khoa học và sự biết ơn "uống nước nhớ nguồn" thành hành động trong công tác ở vị trí của mình, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị đối tác của hai nước Nga-Việt.
Người Việt có nếp "ôn cố tri tân" mỗi khi Xuân về. Các cựu NCS, TTS của Viện HLKH Nga tề tựu trong "Ngày Đôm 5" ở Quán Gió, Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Họ là các TS, TSKH, GS, nguyên Bộ trưởng và cán bộ cấp lãnh đạo của các cơ quan khoa học, văn hoá ở Việt Nam. Như ông Nguyễn Huy Khiển cho biết, cuộc gặp đầu Xuân mới của "dân Đôm 5" đã là hoạt động thường niên từ năm 2002.
Cũng trong dịp đầu Xuân mới Đinh Dậu còn có nhiều cuộc hội ngộ khác nữa mà Liên Xô và nước Nga là thứ gắn kết tụ hội các công dân Việt Nam. Có những cuộc gặp của "hội đồng hương" Kursk, của "Hoài niệm Liên Xô tại Thái Nguyên"… Lại có cả cuộc vui "Cười như Liên Xô" ở thủ đô Hà Nội. Tên gọi đã chỉ rõ tính chất thành viên cũng như mục đích của cuộc gặp. Những người đến dự các sự kiện này đều nổi bật bởi nét rạng rỡ trên gương mặt, trang phục điểm xuyết nét gì đó nhắc nhớ tới xứ sở bạch dương và nhất là những bài ca, điệu múa của tuổi thanh xuân trên đất Nga tươi đẹp. Chị Hương Liên từng làm việc ở Siberia những năm 1981-1985 nói rằng chị và các bạn sẽ "nhớ suốt đời trong tim sâu thẳm" những kỷ niệm nước Nga:
…Nghĩ lại chúng mình cũng thật là cao
Đi ra đường người Nga đều chào hỏi
Họ khen Việt Nam nhỏ người sao mà giỏi
Đánh thắng Mĩ xâm lăng — nổi tiếng khắp toàn cầu…
…Và đến hàng năm ngày Cách mạng Tháng 10
Chúng ta lại quây quần ôn chuyện về quá khứ
Dẫu nước Nga có xoay vần lịch sử
Ta vẫn mãi mãi tim mình…vẫn mãi mãi nước Nga".
Có nhiều bài ca Nga hầu như người nào cũng biết. Ở mỗi cuộc hội ngộ, tất cả hoà giọng hát tiếng Việt, tiếng Nga để nhớ về thời tuổi trẻ, tri ân đất nước và con người Nga. Vang rộn ràng tha thiết giai điệu bài "Kachiusha", "Tình ca du mục", "Những bông hồng trắng", "Nước Nga của tôi", "Đôi bờ"…
Tại cuộc gặp vào đúng ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới 17 tháng Hai 1979, không một ai quên rằng nhờ có sự hỗ trợ kịp thời và đặc biệt của Liên Xô và Nga, quân dân Việt Nam khi ấy đã giành chiến thắng đuổi quân bành trướng xâm lược ra khỏi bờ cõi.
Liên bang Nga là đối tác chiến lược của Việt Nam. Có lẽ cũng bởi nghĩa tình của nước Nga vĩ đại và nhân dân Nga hào sảng đôn hậu vẫn luôn in đậm trong tâm hồn nhiều người Việt hôm nay.