Ưu điểm nổi trội của Molniya 1241.8 là mặc dù kích thước rất nhỏ nhưng lại sở hữu tốc độ rất nhanh, được trang bị hệ thống điện tử không thua kém một chiến hạm 2.000 tấn và đặc biệt là mang dàn hỏa lực mạnh với 16 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35E Uran-E.
Loại tên lửa này theo công bố của nhà thiết kế Zvezda có tầm bắn 130 km, tốc độ cận âm Mach 0,8, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp trọng lượng 145 kg, độ cao hành trình khi tiếp cận mục tiêu 14 m và hạ xuống chỉ còn dưới 5 m khi bước vào giai đoạn công kích.
Mặc dù lợi hại như vậy, nhưng vừa qua đã xuất hiện một thông tin mới rất đáng chú ý liên quan đến vũ khí trên của tàu Molniya.
"Điều tôi thấy quý là lớp tàu tên lửa Tia chớp Molniya. Tàu chỉ có lượng giãn nước 560 tấn nhưng có thể mang tới 16 quả tên lửa với tầm bắn 180 — 200 km. Đây là loại tàu do Việt Nam đóng dựa trên công nghệ chuyển giao của Nga".
Thông tin đáng chú ý ở đây là về tầm bắn của tên lửa có thể trang bị trên tàu Molniya 1241.8 Việt Nam. Nếu được xác nhận chính thức, thì đây thực sự là một bất ngờ.
Hiện tại dự án chế tạo tên lửa KCT 15 theo nguyên mẫu Uran-E vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện nên nó chưa được sử dụng ngoài thực địa, vậy liệu có phải vũ khí trên Molniya chính là Kh-35UE?
Kh-35UE là biến thể nâng cấp của Kh-35E, được giới thiệu lần đầu tại Triển lãm MAKS 2015.
So với "người tiền nhiệm" thì hình dáng cũng như kích thước bên ngoài của Kh-35UE không có sự thay đổi lớn (trọng lượng chỉ nặng hơn một chút), nhưng nhờ động cơ mới và phương thức dẫn đường tiên tiến mà tầm bắn đã tăng vọt lên tới 260 km, vận tốc tối đa đạt Mach 0,85, đầu dò radar chủ động trên tên lửa bắt được mục tiêu từ cự ly 50 km.
Nếu tên lửa Kh-35UE đã có mặt trên các tàu tấn công nhanh Molniya 1241.8 của Việt Nam thì rõ ràng sức chiến đấu của chúng đã tăng vượt bậc so với nguyên bản. Đây đúng là một bất ngờ thú vị đối với những người yêu quân sự nước nhà!
Nguồn: Thời Đại