Bài viết này ca ngợi nhà vua Nhật Bản và đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm vừa diễn ra gần đây.
Nếu giả sử Stalin đọc được bài viết này, thì ông cũng như các thành viên khác (hiện nay đã qua đời) của Đảng Bolshevik hẳn sẽ đội mồ đứng dậy. Như chúng ta đã biết, những người Bolshevik đối xử như thế nào với vị Hoàng đế cuối cùng của nước Nga — Sa hoàng Nikolai II: xử bắn nhà vua cùng toàn bộ thành viên gia đình hoàng tộc, kể cả Hoàng tử nhỏ tuổi Alexei. Tôi không chắc rằng động tác khắc nghiệt hay tàn ác của những người Bolshevik là đúng. Những người này nói rằng họ đã tiêu diệt toàn bộ hoàng gia, vì họ sợ rằng các kẻ thù Bạch vệ có thể sử dụng Sa hoàng hay người nào đó trong gia đình ông làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại phái Bolshevik. Luận điểm này rất đáng ngờ. Quân Bạch vệ dự tính lật đổ chế độ Xô-viết, nhưng các vị tướng lĩnh Bạch vệ không muốn khôi phục chế độ quân chủ (điều này được phản ánh trong những cuốn hồi ký của họ).
Những người Bolshevik hoàn toàn không thích quân vương. Như vua Phổ Nghi — Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc — sau khi là tù binh của quân đội Xô-viết hồi tháng Tám năm 1945 từng ngồi trong nhà giam Siberia nhiều năm, đã xin được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi muốn là người Cộng sản đầu tiên trong số các Hoàng đế! — ông giãi bày lý do. Tuy nhiên nguyện vọng này đã bị từ chối. Hơn nữa, sau khi nước CHND Trung Hoa tuyên bố thành lập ngày 01 tháng 10 năm 1949, Stalin đã ra lệnh đưa Phổ Nghi về Trung Quốc, nơi ông phải trải qua thêm nhiều năm trong trại cải tạo.
Lịch sử Việt Nam hiện đại cho chúng ta thấy một ví dụ hoàn toàn khác. Hoàng đế Bảo Đại sau khi thoái vị không những không phải ngồi tù mà còn đã trở thành cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Với quyết định sáng suốt tuyệt vời như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp giảm thiểu số lượng đối thủ đáng gờm của chính quyền mới.
Như vậy là, từ cương vị của mình, nguyên thủ quốc gia Nhật Bản (có thể chỉ là hình thức), Thiên hoàng đã góp phần vào sự phát triển của Việt Nam, và, do đó, góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên con đường xây dựng CNXH. Và việc nhà vua Akihito từ lúc sinh ra đã là nhân vật thừa kế ngai vàng của đất nước quân chủ lập hiến, chẳng lẽ lại là lỗi của ông hay sao? Vì những việc làm tốt của bất kỳ người nào đều xứng đáng với lòng biết ơn kính trọng, có phải vậy không?
Trong chuyến thăm của mình, Hoàng đế Akihito đã gặp gỡ những người con sinh ra từ cuộc hôn phối của những người phụ nữ Việt với binh sĩ Nhật ở Việt Nam hồi Thế chiến II. Khi chiến tranh qua đi, những người chồng người cha này trở về Nhật Bản, còn những đứa con lai Nhật-Việt từng bị cộng đồng Việt Nam xét nét và bị Chính phủ Nhật Bản lãng quên. Nhưng Hoàng đế Nhật Bản đã quan tâm đến những người này (cũng là một kiểu những số phận bất hạnh) và do đó nhà vua đã có đóng góp dù nhỏ nhưng quan trọng vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh. Thật là cử chỉ cao quý!