Trả lời phỏng vấn của Sputnik, Tổ trưởng chuyên môn vật lý sinh học phân tử của trường Đại học Vật lý và Công nghệ Matxcơva (MIPT) ông Igor Popov cho biết:
"Nhóm chúng tôi đang phát triển các phương pháp tân tiến nhất chẩn đoán bệnh. Chúng tôi sử dụng phương pháp khối phổ (mass spectrometry-MS) để nghiên cứu về các phân tử bao gồm vật lý phân tử và các quá trình xảy ra trong cơ thể. Những đứa bé sinh non 2 tháng thường phải đối mặt với nguy hiểm lớn gặp phải những căn bệnh có vẻ đơn giản, nhưng, đối với họ có thể dẫn đến tử vong. Việc theo dõi và phân tích hơi thở cho phép chúng tôi phát hiện các thứ bệnh và áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Tại các bệnh viện khác của Nga cũng như ở nước ngoài chưa có phương pháp tương tự", ông Popov cho biết.
Chuyên gia Nga giải thích thêm rằng, công nghệ mới cho phép theo dõi từ xa tình trạng sức khỏe của các em bé được nuôi trong lồng ấp có sử dụng phương pháp khối phổ hơi thở và nước tiểu.
"Ngoài ra, chúng tôi đã phát triển một phương pháp mới phân tích nước tiểu của phụ nữ mang thai giúp xác định thai thường hay thai bệnh lý trong giai đoạn đầu mang thai. Phương pháp này giúp việc sinh thường dễ dàng hơn, để sinh con khỏe mạnh," — ông Popov nói.
Theo ông, dự án này của các nhà khoa học từ Đại học Vật lý và Công nghệ Matxcơva và Trung tâm Sản khoa, Phụ khoa và Nhi khoa mang tên Kulakov đã được trao "Giải thưởng Matxcơva dành cho nhà khoa học trẻ", tuy nhiên, các công việc tiếp theo phụ thuộc vào nguồn tài trợ.
"Đây là một xu hướng khoa học phổ biến trên toàn thế giới, nhiều nhà khoa học và chuyên gia y tế hiểu rằng, cần phải phát triển theo hướng này. Chúng tôi đang nghiên cứu các vấn đề tương tự như các đối tác nước ngoài, bây giờ họ là các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Phương pháp mới sẽ xuất hiện sau 5-10 năm nữa. Nếu không đưa vào sử dụng công nghệ của Nga thì chúng tôi sẽ mua sản phẩm của các công ty dược phẩm phương Tây ", — ông Popov kết luận.