Về những công lao của nhà khoa học Nga chúng tôi đã nói trong bài trước của chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua".
Ông Golubev là nhân vật nổi tiếng nhất trong số những người Nga đã sống và làm việc tại Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn 1920-1945, ông đã sống trên đất Việt suốt 16 năm. Và trong 9 năm còn lại ông đã đến các quốc gia khác để tổ chức những cuộc triển lãm giới thiệu về hoạt động khai quật khảo cổ và quá khứ lịch sử của Việt Nam, để tham gia những hội thảo khoa học về lịch sử Việt Nam.
Trong các chuyến đi đó, cũng như trong các bài giảng và các bài viết của mình trên các tạp chí khoa học, nhà khoa học Nga trình bày chi tiết về những nghiên cứu được ông và các đồng nghiệp thực hiện tại Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở Việt Nam. Hoạt động này khiến nhà khoa học Nga được mệnh danh là "đại sứ trí tuệ của Việt Nam."
Ông Victor Golubev đã tham gia và đọc báo cáo tại hội nghị quốc tế về lịch sử cổ đại Đông Dương tại Bandung năm 1929, tại Hà Nội vào năm 1932 và ở London vào năm 1934. Bằng cách gửi các báo cáo của mình, ông cũng đã tham gia các hội nghị tương tự tại Philippines năm 1935 và tại Pháp năm 1936.
Theo sáng kiến của ông Golubev, kể từ năm 1932 bắt đầu tổ chức hội thảo khoa học về nghiên cứu xã hội nguyên thủy vùng Viễn Đông. Trong 5 báo cáo mà ông Golubev đọc tại các hội thảo ấy, có 4 báo cáo về các vấn đề thời đại đồ đồng Việt Nam. Điều đó cho thấy rõ rằng, trong hoạt động nghiên cứu của mình, nhà khoa học Nga dành một vị trí quan trọng cho nền văn hóa Đông Sơn.
Victor Golubev là tác giả của giả thuyết về sự tồn tại của ngành thương mại hàng hải và liên hệ văn hóa giữa các nền văn minh lớn thời cổ đại: Địa Trung Hải, Ấn Độ và Trung Quốc. Golubev không thể không chú ý đến ý kiến được nhà địa lý Hy Lạp cổ đại Ptolemy sống trong thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên nói về hải cảng cổ xưa Kalligara. Học giả Ptolemy cho rằng, cảng này nằm ở đâu đó trong khu vực miền Nam Trung Quốc — Bắc Việt Nam hiện nay. Để xác định vị trí của cảng này, vào năm 1935 ông Golubev cùng với nhà sử học Trần Văn Giáp (sau đó cũng là thành viên Viện Viễn Đông Bác Cổ) đã đi khám phá các hòn đảo phía bắc Hòn Gai. Vào thời điểm đó, giả thuyết của Golubev về mối liên hệ giữa các nền văn minh lớn thời cổ đại đã không được xác nhận. Nhưng, các học trò của nhà khoa học Nga đã tiến hành khai quật trên địa bàn tỉnh An Giang và phát hiện ra những những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã tồn tại trong thế kỷ 1-4 sau Công nguyên. Bên cạnh các hiện vật có nguồn gốc địa phương họ đã tìm thấy những bức tượng Hy Lạp và La Mã cổ đại, điều đó khẳng định giả thuyết của ông Golubev.
Mùa hè năm 1939, lần cuối cùng ông Viktor Golubev đã đi từ Việt Nam sang Pháp để tham dự một hội thảo khoa học, nơi ông đã trình bày bản báo cáo về nền văn hóa Đông Sơn. Sau khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, ông gần như hoàn toàn chỉ sống trong khách sạn "Metropol" ở Hà Nội, vẫn tiếp tục nghiên cứu lịch sử và dân tộc học Đông Dương. Thậm chí trận ốm nặng không ngăn được ông rời bỏ công việc nghiên cứu của mình: chỉ một vài tháng trước khi qua đời, ông đã xuất bản cuốn sách nhan đề "Các nhà sư và người hành hương ở châu Á".
Theo hồi tưởng của hai họa sĩ Trần Văn Cẩn và Công Văn Trung, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội, nơi ông Golubev từng tham gia giảng dạy, nhà khoa học Nga có thái độ tiêu cực đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga. Nhưng ông vẫn đặt mua từ Matxcova tạp chí "Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội" do Maxim Gorky phát hành, thường dịch các bài trong tạp chí đó cho sinh viên Việt Nam và kể cho họ nghe về sự thành công của Liên Xô với niểm tự hào. Năm 1941, khi quê hương ông bị phát xít tấn công, ông đã lo lắng theo dõi tình hình chiến sự. Ông vui mừng trước chiến thắng của Hồng quân và tự hào vì các thành viên của gia đình ông, kẻ cả một trong những con trai của ông đã tham gia bảo vệ quê hương.
Và tình thương yêu đó là tình cảm hai chiều. Trước khi qua đời, Victor Golubev để lại kho lưu trữ có giá trị và một thư viện khổng lồ của mình cho nhân dân Việt Nam, di chúc của ông viết rõ như vậy.
Nhà khoa học Nga đã qua đời vào tháng Tư năm 1945 tại Hà Nội. Ông mất sớm hơn hai mươi ngày trước khi phát xít Đức bị Nga đánh bại, sớm bốn tháng trước khi Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam. Ông được chôn cất trong nghĩa trang Pháp, gần nơi hiện nay là phố Nguyễn Công Trứ. Vào đầu những năm 60, liên quan đến việc tái thiết Hà Nội, nghĩa trang đã bị chuyển đi, hài cốt chôn cất ở đó được chuyển đến Pháp để an táng.
Các tài liệu lưu trữ và thư viện của Victor Golubev để lại cho người dân Việt Nam đã bị thất lạc. Người ta cho rằng người Pháp đã mang đi khi rời khỏi Việt Nam mới giành được độc lập.