Ngoài những nội dung chính trị, chuyến thăm này còn có mục đích rất thực tế. Đó là ý kiến của chuyên gia Valery Zhuravel từ Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Phần Lan chưa tỉnh lại sau cuộc khủng hoảng tài chính tại EU đã giáng cho nước này một đòn đau đớn. Helsilki muốn thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc để phục hồi kinh tế, và họ sẽ nhận được những khoản đầu tư mới. Tuy nhiên, trong trường hợp này Bắc Kinh có thể đưa ra điều kiện để lao động Trung Quốc sang Phần Lan. Và Phần Lan sẽ không có vấn đề với việc tiếp nhận và bố trí chỗ ở cho họ.
Phần Lan chiếm vị trí thứ 5 ở châu Âu sau Vương quốc Anh, Đức, Ý và Pháp về khối lượng đầu tư của Trung Quốc trong những năm 2000-2016 (xấp xỉ 7 tỷ €). Có chú ý đến lượng đầu tư bình quân đầu người, Phần Lan đã trở thành quốc gia châu Âu hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Giao dịch lớn nhất trong năm 2016 là thương vụ gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Tencent mua lại hầu hết cổ phần của Supercell, hãng game lớn nhất của Phần Lan. Hợp đồng trị gía 7,4 tỷ € cho 73% cổ phần.
Còn có một vấn đề khác rất quan trọng đối với Trung Quốc: Bắc Cực. Vào tháng 5 năm nay Phần Lan sẽ giữ ghế Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực. Kể từ năm 2013 Trung Quốc là quan sát viên thường trực trong Hội đồng Bắc Cực. Chắc chắn, ông Tập Cận Bình sẽ vận động hành lang cho quyền lợi của Bắc Kinh ở vùng Bắc Cực. Chuyên gia Valery Zhuravel cho biết:
"Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực định hình chương trình nghị sự cho hai năm tới. Và trong chương trình này có thể xuất hiện những nội dung gây sự quan tâm của các nước châu Á, trước hết của Trung Quốc. Ví dụ, Phần Lan và Nga đang thảo luận về khả năng lắp đặt cáp quang từ Na Uy đến Trung Quốc qua vùng Bắc Cực. Rất có thể tham gia dự án xuyên lục địa này sẽ có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chắc là ông Tập Cận Bình sẽ nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong dự án này. Bên cạnh đó, tuyến đường hàng hải Biển Bắc và vòng Bắc Cực là một trong ba trụ cột để tạo ra khu kinh tế trên con đường tơ lụa. Tuyến đường giao thông ở các vĩ độ cao của Bắc bán cầu có ý nghĩa lớn với Trung Quốc, vì Ấn Độ có thái độ tiêu cực đến phương án "phía Nam" của con đường tơ lụa, cũng như vì khu vực Trung và Cận Đông bị đe dọa khủng bố ở mức độ cao. "
Trong khi đó, Helsinki đang giúp đỡ Bắc Kinh chinh phục Bắc Cực. Theo dự án của công ty Phần Lan Aker Arctic Technology, nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải đang xây dựng tàu nghiên cứu khoa học có thể hoạt động ở vùng cực. Theo kế hoạch, vào năm 2019 chiếc tàu này sẽ được đưa vào vận hành.