Cuộc gặp đầu tiên giữa ông Tập và ông Trump có thể không chỉ làm thay đổi hình dạng quan hệ Trung-Mỹ, mà còn gây ra những thay đổi sâu sắc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Xét theo bài viết trên tờ South China Morning Post, hầu hết tất cả các nước châu Á đang lo ngại rằng, vai trò chủ đạo của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể trở thành một quân bài mặc cả tại cuộc gặp thượng đỉnh. Một số nhà phân tích cho rằng, nếu ông Tập Cận Bình sẽ có những nhượng bộ lớn trong lĩnh vực thương mại hoặc sẽ đồng ý cung cấp những khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, thì ông Trump có thể hứa sẽ làm giảm sự hỗ trợ cho các đồng minh và làm giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong một khu vực nhạy cảm của Bắc Kinh là Biển Đông.
Trung Quốc không muốn để những mâu thuẫn giữa hai nước đã được thấy rõ trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama vẫn duy trì và có tính chất mới dưới thời ông Trump, bởi vì điều đó có thể dẫn đến cuộc xung đột vũ trang. Mà việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông hoặc việc tổ chức diễn tập quân sự chung với Đài Loan có thể dẫn đến điều đó. Đồng thời, Trung Quốc và Hoa Kỳ có mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ, vì thế căng thẳng chính trị và quân sự gia tăng nhất định sẽ tác động tiêu cực đến thương mại. Những thay đổi như vậy không phục vụ lợi ích của cả hai nước, bởi vì sự căng thẳng sẽ gây ra những vấn đề kinh tế, và cuối cùng, diễn biến sự kiện theo kịch bản này mâu thuẫn với lời hứa của ông Trump tăng sự ổn định của nền kinh tế Mỹ và làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Vì thế có thể chờ đợi những nhượng bộ lẫn nhau, song, nhiều người cho rằng, sẽ không có những thay đổi sâu sắc mang tính chiến lược. Bởi vì nếu ông Trump có những nhượng bộ nghiêm túc về chính trị, thì các nước trong khu vực sẽ coi đó là một dấu hiệu của sự yếu kém của nước Mỹ, một vết nứt mới trong hệ thống các liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á — Thái Bình Dương. Phe bảo thủ của Hoa Kỳ cũng sẽ có thái độ tiêu cực với những thay đổi như vậy, mới đây họ đã chỉ trích chính sách của Ngoại trưởng Tillerson. Theo họ, trong chuyến thăm Bắc Kinh, người đứng đầu Bộ Ngoại giao trên thực tế đã "dịu giọng" với Trung Quốc và chỉ lặp lại những công thức chính trị của Trung Quốc về mối quan hệ Trung-Mỹ. Cần phải lưu ý rằng, ban lãnh đạo mới của Mỹ chưa hoạch định đường lối chính sách theo hướng Trung Quốc, trên thực tế chỉ có nhóm cố vấn rất hạn hẹp đang thực thi những bước đi theo hướng đó. Còn các chuyên gia về Trung Quốc trong chính phủ Mỹ không tham gia quá trình thông qua các quyết định. Xét theo tất cả điều này, hai bên khó có thể đạt thỏa thuận trong cuộc gặp hai ngày tại Mar-a-Lago. Và điều đó sẽ gây cơn đau đầu cho các nước láng giềng với Trung Quốc trong khu vực. Sự thất bại của cuộc gặp thượng đỉnh cũng gây ra sự lo ngại. Tăng cường đối đầu Trung-Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tất nhiên, họ không muốn đặt mình trước sự lựa chọn mà muốn giữ nguyên hiện trạng — duy trì vai trò của Mỹ như một quốc gia bảo đảm an ninh và đồng thời phát triển nhanh chóng sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc.