Tôi đã đọc kỹ các thông tin về những hoạt động được tổ chức ở Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn, đặc biệt chú ý đến ý kiến đánh giá của các nhà lãnh đạo Việt Nam — Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và những người khác.
Thực tế là, trong 30 năm đã trôi qua kể từ ngày đồng chí Lê Duẩn từ trần vào năm 1986, tôi đã không chỉ một lần nghe, tất nhiên, trong các cuộc nói chuyện "thân mật" với người Việt, rằng Tổng Bí thư Lê Duẩn đã dẫn dắt đất nước không phải theo con đường cần thiết cho Việt Nam, mà chỉ sao chép mô hình của Liên Xô trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi phẫn nộ phản bác lại: Vào thời điểm đó đồng chí Lê Duẩn có thể sao chép mô hình nào khác? Mô hình Trung Quốc ư? Hãy nhớ rằng, giữa những năm 1970, sau khi kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam, Trung Quốc đã lâm vào tình trạng hỗn loạn, "bè lũ bốn tên" lộng hành trong cả nước. Khi đó hầu như không ai có thể dự đoán rằng,Trung Quốc sẽ trở về với con đường cải cách. Trong năm 1975 hoặc năm 1980, cũng không ai ngờ rằng, vào năm 1991, đất nước Liên Xô sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.
Tôi đã biết đồng chí Lê Duẩn không chỉ như một nhà lý luận của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, người lãnh đạo một Đảng Cộng sản lớn, mà còn đã thấy ông trong cuộc sống hàng ngày khi ông giao lưu với gia đình và bạn bè. Ông là một người khiêm tốn và giản dị, nhưng có yêu cầu cao với con cháu. Ông không đòi hỏi bất kỳ ưu đãi đối với những người trong gia đình đang theo học ở Liên Xô.
Trong mối liên hệ này, tôi xin nói vài lời về một vấn đề tế nhị liên quan đến gia đình đồng chí Lê Duẩn. Đôi khi các mạng xã hội của Nga và Việt Nam thảo luận sôi nổi về chuyện tình buồn của con gái ông Lê Duẩn là chị Lê Vũ Anh lấy chồng người Nga và đã qua đời tại Matxcơva trong năm 1981. Đặc biệt là, Viện sĩ Viktor Maslov, con rể của ông Lê Duẩn, đã viết nhiều về đề tài này. Bản chất những lời cáo buộc nhắm vào ông Lê Duẩn là dường như nhà lãnh đạo Việt Nam đã chống lại cuộc hôn nhân của con gái ông với một nhà khoa học Liên Xô, dường như ông đã cắt đứt mọi quan hệ với con gái sau khi chị Vũ Anh bất chấp ý kiến của cha mình, vẫn đăng ký kết hôn với Maslov (nhân tiện xin nói luôn, đã làm giả giấy chứng nhận). Dường như, trong quan hệ với con gái ông Lê Duẩn vẫn giữ nề nếp phong kiến.
Đồng chí Lê Duẩn không coi con gái ông là một ngoại lệ. Không ai có quyền cáo buộc ông có thái độ như vậy. Chúng ta chỉ có thể thông cảm với ông Lê Duẩn, người đã phải đối mặt với tình cảnh vô cùng éo le khó khăn, phức tạp khi phải lựa chọn giữa bổn phận, nghĩa vụ của nhà lãnh đạo đất nước và tình cảm của một người cha. Tôi tin chắc rằng, không phải tất cả mọi người có thể hành xử xứng đáng trong tình cảnh tương tự.
Và nữa, tôi rất kính trọng đồng chí Lê Duẩn vì ông đã có những tình cảm tốt đẹp với đất nước chúng tôi, thường xuyên quan tâm đến sự phát triển mối quan hệ hữu nghị anh em giữa hai dân tộc chúng ta. Có thể nói nhờ đó mà sinh thời ông Lê Duẩn, sự đối tác giữa hai nước chúng ta đã ở mức cao nhất trong toàn bộ lịch sử quan hệ song phương.