Pháo phản lực BM-21M-1 đã được Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) cải tiến từ pháo phản lực huyền thoại BM-21 Grad và được công khai hình ảnh lần đầu tại Đại hội Đại biểu Quân đội lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020).
Sau khi được cải tiến, pháo phản lực BM-21M-1 đã khắc phục được những hạn chế cơ bản của phiên bản gốc do Liên xô sản xuất, qua đó nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật, đặc biệt là khả năng tự động tính toán và điều khiển bắn.
Trước khi nâng cấp, kíp xe của pháo phản lực này có 5 người, nay với phiên bản nâng cấp của Việt Nam, kíp xe rút gọn còn 4 người. Cùng với đó, thời gian triển khai chiến đấu cũng được rút ngắn hơn rất nhiều khi chỉ mất 1,5 phút trong khi BM-21 là 14 phút.
Ngoài ra, sau khi được cải tiến thành pháo phản lực BM-21M-1, việc điều khiển tầm, hướng có thể được thực hiện tự động, bán thủ công hoặc thủ công thay bằng điều khiển hoàn toàn thủ công như trước kia.
Đặc biệt, trước đây pháo phản lực phiên bản gốc việc tính toán phần tử bắn thực hiện hoàn toàn thủ công thì nay với BM-21M-1 của Việt Nam, việc tính toán phần tử bắn được thực hiện hoàn toàn tự động. Chính vì vậy, độ chính xác khi tấn công mục tiêu của BM-21M-1 được tăng lên đáng kể.
Theo thiết kế, phiên bản tiêu chuẩn pháo phản lực BM-21 được thiết kế với giàn phóng pháo 40 nòng cỡ 122mm. Việc nạp đạn được thực hiện bằng tay và mất khoảng 10 phút để lắp hết 40 ống, nhưng chỉ cần chừng 20 giây để bắn hết đạn.
Trước khi nâng cấp thành công với BM-21M-1, Việt Nam cũng đã nghiên cứu nâng cấp các xe tăng T-54, tên lửa chống tăng B72 và một số loại xe thiết giáp khác, Tổng cục Kỹ thuật còn tích cực triển khai nhiều đề tài cải tiến, chế tạo trang bị mới cho bộ đội pháo binh.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Tổng cục Kỹ thuật phối hợp với các nhà máy xí nghiệp toàn quân đã chế tạo thành công pháo tự hành 105mm trên khung gầm Ural-375Đ hoặc Ural-432007-10 và bắt đầu đưa vào huấn luyện.
Nguồn: Báo Đất Việt