Theo số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm — SIPRI công bố, trong năm 1981, Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo tầm ngắn R-17 Elbrus (Scud-B) và xe mang phóng tự hành 9P117. Nhờ vũ khí này, Pháo binh Việt Nam trở thành lực lượng đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có khả năng tung đòn tấn công ở tầm xa hàng trăm km.
Hiện tại, Lữ đoàn 490 — Binh chủng Pháo binh đang được giao quản lý số tên lửa nói trên.
Không giống như pháo phản lực phóng loạt, tên lửa đạn đạo Scud-B có giá trị cũng như tầm bắn lớn hơn rất nhiều, cho nên việc diễn tập chiến đấu (đặc biệt là bắn đạn thật) đòi hỏi tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt và phức tạp. Chính vì vậy, không có nhiều thông tin về những lần phóng kiểm tra tên lửa Scud của Việt Nam.
Tuy nhiên mới đây trong bài viết "Tích cực, chủ động để tiến bộ toàn diện" đăng trên báo Quân đội nhân dân đã xuất hiện một thông tin rất đáng chú ý. Theo lịch sử truyền thống của Lữ đoàn 490, sau khi thành lập vào ngày 24/5/1982, đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ, tích cực củng cố doanh trại, tranh thủ thời gian đẩy mạnh huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, ngày 14/6/1984, lữ đoàn tổ chức diễn tập, phóng 3 quả tên lửa trúng mục tiêu, bảo đảm thời gian, đạt kết quả giỏi.
Được biết tên lửa Scud-B của Việt Nam mặc dù uy lực mạnh nhưng độ sai số cũng khá lớn, lên tới gần 500 m khi phóng ở tầm tối đa. Thành tích trên cho thấy mặc dù thời gian tiếp nhận và huấn luyện chưa lâu, kíp trắc thủ Việt Nam không những đã phóng chính xác 1 mà lên tới 3 quả đạn, cho thấy nỗ lực ở mức rất đáng khâm phục.
Trong tương lai, nếu được mua sắm và đưa vào biên chế chiến đấu các loại tên lửa hành trình hay tên lửa đạn đạo thế hệ mới, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào trình độ làm chủ vũ khí của các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguồn: Thời Đại