Gần 170 người bị ảnh hưởng bởi "cơn bão" tại Matxcơva, trong đó có 146 người phải nhập viện, 108 người vẫn nằm diều trị, 16 người thiệt mạng, người đứng đầu cơ quan y tế Matxcơva Aleksei Khripun cho biết.
Gọi thiên tai xảy ra hôm thứ Hai trong khu vực Matxcơva là bão thì hoàn toàn sai, nhà nghiên cứu Tổ bộ môn khí tượng và khí hậu, khoa Địa lý, trường đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov (MGU), ông Mikhail Lokoshchenko nói.
"Hiện tượng xảy ra tại Matxcơva hôm thứ Hai được gọi là Squall (gió giật cục bộ), và bản chất của nó hoàn toàn khác so với hiện tượng thường được gọi là bão. Thứ nhất, cơn gió mạnh hôm thứ hai còn lâu mới đạt đến tốc độ 32m/s để gọi là bão, tuy vận tốc của nó cũng khá mạnh — đài thiên văn của Đại học quốc gia Moskva đo được tối đa là 28 m/s. Thứ hai, Squall không chỉ đơn giản là trận gió mạnh, mà là kết quả sự thay đổi nhiệt độ rất đột ngột các lớp không khí khác nhau, xuất hiện luồng không khí lạnh trên bề mặt bị nung nóng, dẫn đến việc giải phóng năng lượng bất ổn mà ở vĩ độ của nước ta là rất hiếm," — ông Lokoshchenko cắt nghĩa.
Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin thừa nhận ông không nhớ vụ thiên tai nào có nhiều người chết và bị thương như vậy.
Hiện tượng tuy hiếm khi xảy ra ở miền Trung nước Nga, nhưng không phải là duy nhất, ông Lokoshchenko đính chính lời thị trưởng. Chuyên gia nêu lên chính xác ngày tháng xẩy ra các cơn gió giật cục bộ như vậy trong vòng 20 năm trở lại đây, từ đó có thể thấy rằng cứ vài năm lại xảy ra một lần.
Không giống như "thời tiết xấu", thường lập tức bao trùm hàng ngàn cây số vuông, gió giật cục bộ diễn ra có tính chất địa phương, nhỏ hẹp hơn. Ví dụ, cách đây vài năm, hiện tượng gió giật cục bộ đã xảy ra ở phía đông nam Matxcơva, trong khi ở các khu vực khác của thủ đô không có hiện tượng bất thường nào được ghi nhận.
Do thực tế rằng gió giật là rất hiếm, các nhà khí tượng học không muốn nói về con số thống kê, chuyên gia nhấn mạnh.
"Về nguyên tắc, biến đổi khí hậu toàn cầu làm tăng khả năng của các hiện tượng như vậy. Nhưng trong mọi trường hợp, ở vĩ độ của chúng ta, gió giật vẫn rất hiếm trong tương lai gần. Bên cạnh đó, hiện tượng gió giật không phải lúc nào cũng dự đoán được bởi radar — vì chúng thường liên quan với hệ thống mây cao, nhưng không phải lúc nào cũng vậy" — ông Lokoshchenko nói.
Cuối cùng, gió giật, cũng như động đất chủ yếu đe dọa cư dân thành phố, bởi vì bản thân gió giật hoặc mặt đất rung mạnh không giết được ai. Các nạn nhân của gió giật chủ yếu là do cây đổ hoặc biển quảng cáo rơi.
"Do đó, trong các sự kiện thời tiết như vậy, điều tồi tệ nhất bạn có thể mắc phải là tìm cách tránh gió dưới những tán cây, hoặc dưới những cấu trúc có thể sụp đổ" — chuyên gia cảnh báo.