Đây là một dịp để vinh danh những chiến sỹ quốc tế thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở những vùng đất xa Tổ quốc. Cách đây 28 năm, ngày 15/2/1989, đoàn xe cuối cùng chở bộ đội Xô Viết đã rời lãnh thổ nước Cộng hòa dân chủ Afganistan.
Những "người Afganistan", — tức các cựu chiến binh Xô Viết tham gia chiến đấu tại Afganistan là lực lượng đông đảo nhất trong số những chiến sỹ quốc tế.
Nhưng, tất nhiên, các quân nhân Xô Viết và sau này là Nga, các nhân viên các cơ quan đặc biệt và Bộ nội vụ không chỉ tham chiến tại Afganistan, mà còn tham gia vào nhiều cuộc xung đột vũ trang ở các nước khác.
Trung Quốc và Triều Tiên, Angola và Mozambique, Ai cập và Etiopia, Yemen và Syria, Lybia và Angeria, Việt Nam và Lào, Cămpuchia và Bangladesh — đây hoàn toàn chưa phải một danh sách đầy đủ những nước mà các chiến sỹ quốc tế Xô Viết đã từng có mặt.
Mặc dù các quân nhân Xô Viết đã tham gia chiến đấu bên ngoài biên giới Liên Xô từ trước Chiến trang thế giới lần thứ hai (Nội chiến ở Tây Ban Nha, Nội chiến tại Trung Quốc), nhưng thời kỳ cao điểm trong các hoạt động của những chiến sỹ quốc tế là thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Từ cuối những năm 1940, phong trào giải phóng dân tộc đòi độc lập chống lại thế độ thuộc địa tại Châu Á và Châu Phi phát triển rất mạnh. Ủng hộ cuộc đấu tranh chống chế độ thuộc địa là một trong những ưu tiên trong ý thức hệ Xô Viết, nhưng ngoài những động cơ trên, Liên Xô còn có những nhiệm vụ thiết thực hơn — không cho phép thiết lập các chế độ thân Mỹ tại một loạt các nước Châu Á và Châu Phi.
Lúc đó bắt đầu xuất hiện khái niệm "Nghĩa vụ quốc tế". Liên Xô, cũng như các nước XHCN khác như Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Đông Đức bắt đầu hỗ trợ quân sự cho các phong trào giải phóng dân tộc, các tổ chức cách mạng và cộng sản đang tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù của mình.
Bởi vì đứng sau lưng đối thủ của những lực lượng đòi phi thuộc địa hóa và dân chủ nhân dân, thường là Mỹ và các nước Phương Tây khác, vì thế các nhà cách mạng của "Thế giới thứ ba" rất cần sự giúp đỡ quân sự quy mô lớn — và Liên Xô đã cung cấp sự hỗ trợ đó, không chỉ là các phương tiện kỹ thuật quân sự và đạn dược, mà còn cử các cố vấn quân sự, hướng dẫn viên quân sự và đôi khi là hỗ trợ quân sự trực tiếp bằng cách điều các binh sỹ Xô Viết tới tham chiến.
Một trong những ví dụ đầu tiên về sự tham gia của các quân nhân Liên Xô trong các hoạt động tác chiến bên ngoài biên giới Liên Xô sau Chiến tranh thế giới thứ hai là hỗ trợ quân sự cho Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) trong các năm 1946 — 1950.
Phải nói rằng, sự giúp đỡ của Liên Xô đã đóng một trong vai trò chủ chốt trong chiến thắng của những người cộng sản Trung Quốc trước lực lượng Quốc dân đảng và trong việc thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các chuyên gia Xô Viết đã giúp bảo dưỡng phương tiện kỹ thuật quân sự, huấn luyện, đào tạo cán bộ chỉ huy và cán bộ kỹ thuật cho PLA.
Đến cuối tháng 12/1949, đã có 1.012 chuyên gia quân sự Liên Xô trực tiếp giúp PLA. Ngoài đội ngũ cố vấn và chuyên gia kỹ thuật quân sự, một số đơn vị — binh đoàn không quân tiêm kích và pháo phòng không Liên Xô cũng đã tham chiến.
Vì PLA không có các phi công, kỹ sư hàng không, chuyên gia phòng không được đào tạo bài bản, các quân nhân Xô Viết nhận trách nhiệm bảo vệ bầu trời các khu vực mới được PLA giải phóng.
Không quân Xô Viết đã đóng vai trò hàng đầu trong việc bảo vệ không phận Thượng Hải và các khu vực lân cận chống lại các cuộc tấn công đường không của Quốc dân Đảng.
Dĩ nhiên, do thời gian hỗ trợ quân sự kéo dài, tổn thất về sinh mạng của Quân đội Liên Xô tại Trung Quốc là không hề nhỏ. Theo một số nguồn tư liệu, trong thời kỳ 1946-1949 đã có 900 quân nhân Xô Viết hy sinh tại Trung Quốc.
Hiện tại trên đất Trung Quốc vẫn còn một số nghĩa trang những chiến binh Xô Viết hy sinh trên trên lãnh thổ nước này. Trong danh sách những người an nghỉ trên đất khách — có cả sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ Quân đội Xô Viết.
Quân đội Xô Viết cũng can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, tuy sự tham gia đó không được thừa nhận. Các chiến dịch quân sự trên bán đảo này là một trong những trường hợp đối đầu công khai giữa hai khối XHCN và TBCN trong cuộc "Chiến tranh lạnh".
Nam Triều Tiên được Mỹ và nhiều đồng minh khác của Mỹ hỗ trợ, còn Bắc Triều Tiên — nhận viện trợ quân sự và sự hỗ trợ trực tiếp về người và vũ khí từ một số nước khác, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc.
Về phía Liên Xô, lực lượng chủ yếu tham gia trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên là Nhóm chuyên gia quân sự và Quân đoàn không quân tiêm kích số 64. Tổng quân số Xô Viết tham chiến tại Triều Tiên lên đến 30.000 người.
Nguồn: Baodatviet