Theo những thông tin đã công bố, hiện tại Việt Nam có 1 đơn vị tên lửa bờ trang bị tổ hợp Redut-M, đó là Lữ đoàn 679 đóng tại Hải Phòng, như vậy trong lần bắn đạn thật này phương tiện đã được cơ động vào Cam Ranh.
Tổ hợp Redut-M của Việt Nam được trang bị tên lửa chống hạm P-35B, đây là loại đạn có kích thước rất lớn với chiều dài 10,2 m, đường kính thân gần 1 m, sải cánh 2,6 m, trọng lượng phóng 4,5 tấn, mang theo đầu đạn nặng 800 kg, vận tốc tối đa Mach 1,4 và tầm bắn lên tới 460 km.
Tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường quán tính có hiệu chỉnh trong giai đoạn đầu kết hợp với radar chủ động ở giai đoạn cuối. Sau khi phóng, tên lửa cập nhật tham số mục tiêu thông qua máy bay trinh sát như An-26RT hoặc thậm chí là Su-30MK2.
Có thông tin cho biết khi không có máy bay chỉ thị mục tiêu, đạn tên lửa sẽ chuyển sang "chiến thuật bầy sói". Được phóng loạt từ 2 quả trở lên, một trong số đó bay cao hơn so với các tên lửa khác (4.000 — 7.000 m).
Tên lửa này sẽ chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa còn lại để cùng tấn công trong một loạt đạn lớn. P-35B có độ cao hành trình 100 — 400 m, giai đoạn cuối hạ thấp độ cao xuống dưới 100 m và sẽ chui xuống nước cách mục tiêu từ 10 — 20 m rồi phát nổ để gia tăng thiệt hại.
Hiện nay Nga đã chào hàng gói nâng cấp hệ thống điện tử cho tổ hợp Redut-M, cụ thể các đèn bán dẫn cũ đã được thay thế bằng thiết bị kỹ thuật số thế hệ mới, khiến cho tên lửa đã trở nên nhẹ nhưng đạt độ chính xác cao hơn.
Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa cũng được cải thiện đáng kể khi độ cao hành trình hạ xuống chỉ còn 24 m, tầm bắn của tên lửa còn được tăng từ 460 km lên đến 550 km, ngoài ra có thể chia sẻ thông tin với hệ thống radar cảnh giới quốc gia.
Những đặc điểm trên khiến tổ hợp Redut-M và tên lửa P-35B vẫn tỏ ra cực kỳ nguy hiểm trong tác chiến hiện đại, bất chấp tuổi đời đã khá cao.
Nguồn: baodatviet.vn