Dự kiến tháng 7 tới, HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét nội dung quan trọng về giao thông của thành phố, trong đó có vấn đề hạn chế xe máy cá nhân, tiến tới cấm xe máy trong nội thành. Các chuyên gia nói đây là việc rất khó, thưa ông?
Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tăng thêm 62 tuyến xe buýt. Hiện nay, Hà Nội đang bù giá cho xe buýt 1.000 tỷ đồng, tới đây số bù giá còn lên tới 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải làm. Đối với đầu tư hạ tầng lớn nhất là tàu điện ngầm, cả tuyến đó là 38 tỷ USD, để làm được, thành phố cũng phải cân đối vốn, có như vậy mới có được hạ tầng phù hợp. Mỗi người dân cũng phải đóng góp vào chính sách chung của thành phố để cho giao thông ngày càng tốt hơn.
Thưa ông, lý do Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù cho các dự án giao thông là gì?
Vì sức ép giao thông đô thị nên điều mà thành phố mong muốn làm nhanh những đoạn kết nối hạ tầng. Toàn thành phố có rất nhiều đoạn kết nối, dù không phải ở những tuyến lớn, tuyến đại lộ hay quốc lộ lớn nhưng nếu mình làm được thì cũng thay đổi rất nhiều. Ví dụ như đường đi dưới thấp của hồ Linh Đàm hiện nay, nhưng khi làm thì thủ tục lại vướng nhiều quá. Nếu như làm tắt lại không đúng luật, chính vì thế nên Hà Nội muốn có một cơ chế đặc thù để làm nhanh, vì đây là những dự án gần như là cấp cứu, giải quyết những nhu cầu rất cấp bách, bức xúc.
Ngoài hạ tầng giao thông, Hà Nội có phải tính giải pháp khác như điều chuyển bớt dân cư không, thưa ông?
Những vấn đề đó Hà Nội cũng đang đầu tư rất lớn và cũng kêu gọi đầu tư xã hội, bởi nguồn vốn ngân sách không có nhiều. Phải có đầu tư thêm, mở hạ tầng tốt thì người dân mới ra ngoài trung tâm thành phố sống được chứ cứ hô người dân ra mà hạ tầng không tốt chẳng ai ra. Kể cả có hạ tầng nữa thì cũng phải xây dựng thói quen thì người ta mới ra chứ ai tự nhiên muốn ra đâu. Hà Nội còn 5 khu đô thị vệ tinh, cũng có nhà đầu tư nhận làm và nhận luôn làm đường sắt, nhưng như vậy cũng mất cả chục năm chứ không đơn giản.
Nguồn: Tiền Phong