Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm — Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM phản ánh, người nông dân rất chăm chỉ, cần cù nhưng cuộc sống vẫn vất vả.
"Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của Bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn Bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?"- bà Tâm chất vấn.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định trước hết phải nói rằng người nông dân không chỉ trông chờ mỗi Bộ trưởng, mà họ trông chờ cả hệ thống của chúng ta.
"Phân công cho trưởng ngành nào thì ngành đó phải chịu trách nhiệm đầu tiên, nhưng một mình trưởng ngành không thể làm hết được. Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông Cường nói và gửi lời cảm ơn vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, cùng với bà con làm được một số việc.
Không hài lòng với trả lời trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn:
"Tôi chia sẻ với Bộ trưởng là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, tôi muốn hỏi Bộ trưởng về trách nhiệm của mình chứ không phải nói cả hệ thống chính trị".
Bà Tâm chia sẻ, trong nhiều cuộc gặp gỡ với bà con nông dân, bà nhận thấy ứng xử của ngành với khu vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều lúng túng. Cái dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá.
"Tôi xem truyền hình thấy có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp trả lời rằng sản phẩm dư thừa là do bà con nông dân cứ thấy cái gì lợi là làm. Trả lời như vậy là thiếu trách nhiệm, bởi bà con thấy lợi là làm là đúng rồi, còn trách nhiệm của Bộ ở đây như thế nào?"- bà Tâm đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nêu thực trạng được mùa mất giá là nỗi lo thường trực trong cuộc sống người nông dân. Để giải quyết vấn đề này, theo bà Bé, phải có vai trò của doanh nghiệp, các tổ chức, của nhà nước và vai trò của nhà nước là rất lớn.
"Cứ khi xảy ra chuyện như vừa qua, khi dư thừa thịt lợn thì doanh nghiệp bỏ chạy. Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của nhà nước như thế nào để giữ chân doanh nghiệp trong những tình huống này?"- đại biểu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết tỉ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có tăng, nhưng so với các khu vực khác thì còn ít, nguyên nhân là chính sách thu hút doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp chưa đủ khuyến khích. Vừa qua trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo rà soát các chính sách từ tín dụng, đất đai. Bộ Nông nghiệp đã kiến nghị 6 vấn đề và sắp tới sẽ kiến nghị Quốc hội tiến hành sửa đổi các quy định của luật, làm sao để kêu gọi doanh nghiệp vào tạo ra được vùng sản xuất lớn.
Trước chất vấn của đại biểu về quản lý, xử lý phân bón giả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đang trình Chính phủ nghị định để thống nhất đầu mối quản lý. Thủ tướng cũng đã đồng ý cho xây dựng nghị định xử phạt lĩnh vực này, dự kiến trình trong quý III tới. Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang cùng nhau trao đổi để bàn giao dứt điểm.
Về giải pháp cụ thể để phát triển thị trường cho ngành nông nghiệp thời gian tới, ông Cường cho biết Bộ Nông nghiệp đã xin thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường để phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác này. Bộ Nông nghiệp cũng làm việc để đặt hàng, tìm hiểu về những nội dung mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Trong thời gian tới, cần chú trọng công tác này, nếu không làm đến nơi thì sẽ hết mặt hàng này đến loại nông sản khác thừa. Đồng thời cần chú trọng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.
"Được mùa — mất giá" vẫn diễn ra mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để
Được yêu cầu giải trình thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề tiêu thụ nông sản là vấn đề cốt lõi trong phát triển nông nghiệp.
Theo ông, nguyên nhân của việc ngành nông nghiệp thời gian qua sức cạnh tranh còn thấp là chất lượng quy hoạch, sản xuất không gắn với nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm lớn như cà phê, hồ tiêu đều vượt nhu cầu thị trường rất lớn.
Tình trạng "được mùa — mất giá" vẫn diễn ra mà chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt gần đây nhất là tình trạng dư thừa thịt lợn, một số sản phẩm rau quả,… đã gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng lớn đến người nông dân.
"Tôi rất chia sẻ với bà con nông dân"- Phó Thủ tướng nói.
Chính vì thế, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải ập trung tháo gỡ những "điểm nghẽn", tạo động lực cho sản xuất, tạo các vùng chuyên canh lớn, các khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp.
Phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm.
"Quy hoạch không đúng thực tế, không phù hợp với thị trường, nhưng điều chỉnh quy hoạch lại chậm, không kịp thời. Đã thế tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, ngoài quy hoạch diễn ra khá phổ biến, ví dụ như cây cao su vượt quy hoạch hàng chục ngàn hecta"- Phó Thủ tướng nêu thực tế.
Ông đề nghị thay đổi chính sách hạn điền, nền nông nghiệp cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa. Sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng phải tốt hơn. Những người nông dân còn khó khăn phải được hỗ trợ sản xuất, tiếp cận vốn và công nghệ.
Ông đề nghị tổ chức lại hệ thống thương mại sản phẩm nông sản trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các thị trường nhập khẩu; phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, kỹ thuật để hỗ trợ tốt nhất cho nông sản xuất khẩu…
Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho người nông dân.
14h chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời một số câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Sau đó tới lượt Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn trả lời chất vấn.
Nguồn: dantri.com.vn