“Ông chủ” thật sự của sân golf Tân Sơn Nhất là ai?

© Ảnh : Hữu KhoaSân golf Tân Sơn Nhất
Sân golf Tân Sơn Nhất - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thành lập vào năm 2006 với sự tham gia góp vốn của một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng trong cơ cấu vốn hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên (LOBICO) doanh nghiệp quân đội này không còn nắm bất cứ cổ phần nào.

Được thành lập vào năm 2006 với sự tham gia góp vốn của một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng trong cơ cấu vốn hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên (LOBICO) — chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, doanh nghiệp quân đội này không còn nắm bất cứ cổ phần nào.

Trong giấy phép thành lập do Sở KH-ĐT Hà Nội cấp ngày 26-5-2006, LOBICO (đặt trụ sở tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội) có vốn điều lệ 200 tỉ đồng với các cổ đông là Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển Trường An (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Him Lam (nay là Công ty CP Him Lam), Tổng công ty CP Thương mại xây dựng, Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam, Công ty TNHH đầu tư xây dựng Bảo Lộc.

Trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất tồn tại cái sân golf, nhà hàng - Sputnik Việt Nam
Ai là chủ của sân golf Tân Sơn Nhất và giải pháp nào cho đất sân bay?

Tháng 11-2007, LOBICO tăng vốn điều lệ lên 400 tỉ đồng, trong đó Công ty Trường An góp 60 tỉ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ), Công ty Him Lam góp 120 tỉ đồng (30%), Tổng công ty CP Thương mại xây dựng góp 72 tỉ đồng (18%), Công ty Thành Nam góp 146 tỉ đồng (36,5%) và Công ty Bảo Lộc góp 2 tỉ đồng (0,5%).

Vào tháng 3-2014, cơ cấu vốn cổ phần của LOBICO đã có sự thay đổi quan trọng, chỉ còn ba cổ đông lớn gồm hai cổ đông cá nhân và một doanh nghiệp. Trong đó Công ty Trường An vẫn nắm giữ 15%, ông Trần Văn Tĩnh — tổng giám đốc Công ty CP Him Lam và là anh họ của ông Dương Công Minh (chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam) — nắm 48,5% và bà Dương Thị Liêm — thành viên HĐQT Công ty CP Him Lam (em ruột ông Minh) — nắm 36,5%.

Tháng 9-2014, LOBICO đăng ký bán đấu giá 15% cổ phần của Công ty Trường An tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với giá khởi điểm 90.000 đồng/cổ phần, nhưng bị hủy vào ngày 30-10-2014 do chỉ có một nhà đầu tư tham gia, không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá. Đến tháng 11-2014, LOBICO "lột xác" hoàn toàn với nhiều gương mặt mới xuất hiện trong vai trò cổ đông góp vốn.

Trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất tồn tại cái sân golf, nhà hàng - Sputnik Việt Nam
Khi nào Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất?

Ghi nhận đến ngày 15-11-2014, LOBICO đã tăng vốn điều lệ lên 950 tỉ đồng, trong đó ông Trần Văn Tĩnh vẫn nắm 48,5% cổ phần (hiện ông Tĩnh là phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Him Lam), bà Dương Thị Liêm chỉ còn nắm 10%. Tuy nhiên, Công ty Trường An không còn là cổ đông, thay vào đó là Lê Thị Bích Ngọc (hiện là giám đốc khối kinh doanh tại Công ty CP Him Lam) nắm 26,5% và Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam giữ 15%, do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm đại diện quản lý phần vốn góp.

Đến tháng 8-2015, chỉ sau 9 tháng kể từ khi "nhóm Him Lam" nắm trọn cổ phần LOBICO, sân golf Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác mà không còn bóng dáng cổ phần nào của nhà đầu tư quân đội như trước đó. Như vậy căn cứ trên hồ sơ sổ sách, các cổ đông hiện nay của LOBICO, tức "chủ" của hai sân golf Tân Sơn Nhất và sân golf Long Biên, đều là "nhóm Him Lam".

Nguồn; Tuổi Trẻ

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала