Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik-Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, rất tự hào khi nói về lịch sử vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là nhiều cán độ chỉ huy của quân đội Việt Nam đã được đào tạo tại các học viện quân sự của Liên Xô và Nga, quân đội Việt Nam trang bị chủ yếu các loại vũ khí của Liên Xô và Nga.
Trên thực tế, Liên Xô đã bắt đầu cung cấp vũ khí cho các chiến sĩ Việt Nam vào đầu thập niên 50 thế kỷ trước. Năm 1954, trong trận chiến Điện Biên Phủ mà chiến thắng này đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những người lính của quân đội Việt Nam đã có khoảng hai mươi pháo phản lực Katyusha. Các quả đạn Katyusha đã làm quân Pháp vô cùng hoảng sợ, cảnh tương tự đã từng xảy ra với quân Hitler trong Thế chiến II. Trong những năm 60-70, các tên lửa và phi cơ quân sự của Liên Xô đã tiêu diệt khoảng 1.700 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiếc xe tăng T-54 của Liên Xô đã tiến vào dinh Độc Lập tại Sài Gòn. Trong năm 1979, các hệ thống tên lửa đa nòng Grad của Liên Xô đã giúp các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đẩy lùi cuộc tiến công của đội quân Trung Quốc gồm hơn nửa triệu người.
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik Việt Nam, Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Khắc Nguyệt nói:
"Nga đã và đang là đối tác chính của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, là đối tác chắc chắn đáng tin cậy nhất. Vũ khí Nga phù hợp với học thuyết quân sự Việt Nam, trang thiết bị quân sự của Nga có lợi thế ưu việt không thể bàn cãi so với kỹ thuật của phương Tây: đơn giản hơn, dễ sử dụng, có hỏa lực mạnh hơn, và người Việt Nam có thể tự sửa chữa được khi có trục trặc. Không kém quan trọng nữa là thực tế vũ khí Nga có giá thành rẻ hơn so với trang bị phương Tây. Vì vậy, trong điều kiện khả năng lựa chọn đang ngày càng mở rộng và Việt Nam thi hành chính sách đa phương hóa thị trường mua sắm trang thiết bị quân sự, nhưng trong nhiều năm nữa, về cơ bản các loại vũ khí trang bị của quân đội và Hải quân Việt Nam vẫn sẽ là các sản phẩm mang dấu hiệu "sản xuất tại Nga".