Trả lời câu hỏi của tạp chí "Realist", ông nhấn mạnh những điều cần lưu ý:
Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu có khối lượng giao dịch khổng lồ với khu vực Đông Nam Á, còn Nga hiện nay có kim ngạch quá ít ỏi không tương xứng với tiềm năng của chúng ta. Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam đã đi vào hiệu lực vào ngày 5 tháng Mười năm ngoái, thời điểm này là quá sớm để đánh giá đầy đủ về kết quả của nó. Các bên đang phối hợp và phê duyệt những thủ tục khác nhau, nhưng, đây là một bước đi đúng hướng! Đông Nam Á là một khu vực đang phát triển rất năng động. Trong khuôn khổ Chiến lược hướng Đông, Liên bang Nga nên đa dạng hóa thương mại để giảm sự phụ thuộc vào thị trường phương Tây. Và ở Việt Nam có vô vàn việc phải làm. Trong số các thành viên EAEC, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ hai sau LB Nga. GDP của Việt Nam là lớn hơn so với Kazakhstan, Belarus và tất cả các thành viên khác của EAEC. Bây giờ Việt Nam là một đối tác thương mại khá mạnh, nhưng, hiệu quả hoạt động của bộ máy quan liêu Nga và giới kinh doanh Nga theo hướng này là rất thấp.
Ông Kolotov nêu ra những số liệu: trong năm 1992, GDP của Ukraina hậu Xô viết là cao gấp hơn 2 lần so với GDP của Việt Nam, còn hiện nay GDP của Việt Nam cao gấp hơn 2 lần so với GDP của Ukraina. Trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, các sản phẩm công nghệ cao là một trong những nhóm hàng lớn nhất. Bây giờ sản phẩm công nghiệp chiếm 39% trong GDP của Việt Nam, mà trước đây sản phẩm nông nghiệp đã chiếm ưu thế. Có nghĩa là chúng ta cần phải tích cực phát triển quan hệ với Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á để không phụ thuộc vào phương Tây và để giảm tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Về mặt này nên nghiên cứu những kinh nghiệm của Việt Nam. Trong năm 1975, sau khi bị thất bại trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã áp dụng lệnh cấm vận thương mại đối với toàn bộ Việt Nam. Washington buộc phải dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại trong năm 1994 vì nó là vô nghĩa. Nhờ chính sách tích cực và có hiệu quả trong lĩnh vực hội nhập khu vực, Việt Nam đã làm vô hiệu hóa đòn trừng phạt của Mỹ. Hà Nội không thực hiện bất kỳ một sự nhượng bộ và không hy sinh lợi ích của quốc gia để lấy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, theo các chỉ số kinh tế cơ bản, chưa có dấu hiệu nào về việc Matxcơva đang tiến gần đến Hà Nội. Kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là cao hơn 66 tỷ USD/năm, với Hoa Kỳ — khoảng 50 tỷ USD/ năm, và với Liên bang Nga chỉ khoảng 4 tỷ USD. Nói cách khác, về kim ngạch thương mại với Việt Nam, chúng ta thua kém Trung Quốc và Hoa Kỳ đến hơn 10 lần. Chúng ta chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam và chưa thể cạnh tranh thành công với Bắc Kinh và Washington. Đây là thực trạng không thể phủ nhận. Với Trung Quốc, Việt Nam có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với Hoa Kỳ có quan điểm khác nhau về nhân quyền, về tự do tôn giáo, v.v. Với Nga không có trở ngại chính trị, nhưng, không hiểu tại sao, quan hệ thương mại với Việt Nam vẫn không phát triển. Đây là tình trạng không bình thường, không phục vụ lợi ích của Nga. Cần phải cải thiện tình hình!
Nhận xét về việc những tập đoàn nước ngoài dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông Kolotov nói:
Nga cần phải học cách làm việc tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á, — chuyên gia Nga nhận xét. Để chống chọi lại sức ép và áp đặt của phương Tây, chúng ta phải hướng tới phương Đông. Chiến lược thông minh "hướng Đông" có nghĩa là phát triển các mối quan hệ cùng có lợi với các đối tác của chúng ta. Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang hoạt động hiệu quả hơn chúng ta, một bằng chứng hùng hồn là con số doanh thu. Và họ đang làm điều đó trong khi vẫn duy trì những mâu thuẫn địa chính trị gay gắt trong lĩnh vực an ninh và tranh chấp lãnh thổ. Nga không có những vấn đề như vậy trong quan hệ với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, chúng ta không can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Nhưng, đáng tiếc, dù có những điều kiện thuận lợi nhất, nhưng chúng ta vẫn chưa thể hoạt động một cách hiệu quả, — nhà khoa học chính trị Nga kết luận.