Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Ván bài quyền lực của Nga ở Biển Đông

© REUTERS / StringerBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện. Việt-Nga đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Matxcơva cũng mong muốn trở lại Cam Ranh, đồng thời bán cho Hà Nội các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quốc phòng, tổ chức chuyên phân tích Oilprice đánh giá.

Trong bài "Kế hoạch của Putin tại Biển Đông", Oilprice đã phân tích chính sách Biển Đông của Nga hiện nay.

Trước hết, Oilprice ghi nhận rằng chính sách của Nga về tranh chấp Biển Đông phức tạp hơn những gì cho thấy. Trên bình diện chính thức, Matxcơva là một tác nhân bên ngoài, không phải là một bên tranh chấp. Theo bộ Ngoại giao Nga, Mátxcơva «chưa bao giờ can dự vào tranh chấp ở Biển Đông», và nguyên tắc của Nga là «không đứng về bên tranh chấp nào».

Tuy nhiên theo Oilprice, đằng sau bề ngoài chính thức là không dấn thân đó, Nga vẫn tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đàm phán hàng tỷ USD vũ khí và dầu khí với các bên liên quan. Những điểm này cho thấy dù không có những tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, Matxcơva vẫn có những mục tiêu chiến lược, những quyền lợi và hành động có ảnh hưởng trực tiếp trên diễn tiến tình hình ở Biển Đông.

Một phần tư chương trình hiện đại hóa quân đội Nga cho đến 2020 được dành cho Hạm đội Thái Bình Dương, đặt tổng hành dinh ở Vladivostok, thành phố Viễn Đông Nga, để có trang thiết bị tốt hơn sử dụng vào các chiến dịch ở những vùng biển xa.

Theo Oilprice, hợp tác quân sự Nga-Trung đã tiến đến mức mà tổng thống Putin đã xem Trung Quốc là đối tác tự nhiên và đồng minh tự nhiên. Cuộc thao diễn hải quân chung giữa hai nước gần đây — Joint Sea 2016 — cũng diễn ra ở Biển Đông, và là cuộc diễn tập đầu tiên kiểu này giữa Trung Quốc và một nước thứ hai ở vùng Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài The Hague về yêu sách của cái gọi là "đường 9 đoạn" ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

© AP Photo / Zha Chunming/XinhuaCuộc thao diễn hải quân chung giữa hai nước gần đây - Joint Sea 2016 - cũng diễn ra ở Biển Đông
In this Friday, Sept. 16, 2016 photo released by Xinhua News Agency, Chinese Navy frigate Huangshan, left, and Russian Navy antisubmarine ship Admiral Tributs take part in a joint naval drill at sea off south China's Guangdong Province. - Sputnik Việt Nam
Cuộc thao diễn hải quân chung giữa hai nước gần đây - Joint Sea 2016 - cũng diễn ra ở Biển Đông

Oilprice ghi nhận, quan hệ Nga và Việt Nam cũng trên đà gia tăng tương tự: Nga và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên hàng «đối tác chiến lược toàn diện». Việt Nam và Nga đang phát triển đề án chung về dầu khí ở Biển Đông và Matxcơva cũng đang thể hiện mong muốn trở lại căn cứ Cam Ranh, đồng thời bán cho Hà Nội các vũ khí tiên tiến giúp Việt Nam nâng cao khả năng quân sự.

Theo Oilprice, cách hành động hiện nay của Matxcơva dường như không mấy giống với các tuyên bố chính thức. Việc đồng thời tăng cường hợp tác với cả Bắc Kinh và Hà Nội, làm cho ý đồ của Nga khó hiểu hơn, và cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh liên quan đến các quyền lợi ngoại giao của Nga.

Cơ quan nghiên cứu này cho rằng các cường quốc thường chơi những ván bài ngoại giao trên nhiều cấp độ, và đôi khi các cấp độ chồng lấn lên nhau trên những vấn đề hay khu vực cụ thể. Đối với vấn đề Biển Đông, chính sách đối ngoại của Nga được triển khai trên hai cấp độ đang chồng lấn lên nhau: ở cấp độ toàn cầu Nga muốn cân bằng lực lượng để chống tình trạng đơn cực, và ở cấp khu vực là chủ trương khoanh vùng để bảo vệ quyền lợi.

Ở cấp độ toàn cầu, căn cứ vào tương quan lực lượng hiện thời và cảm nhận về những mối đe dọa lớn, với tư cách nước tìm kiếm sự cân bằng cho hệ thống quyền lực trên thế giới hiện nay đang do Mỹ chi phối. Nga thách thức sự lãnh đạo độc tôn của Mỹ bằng nhiều cách, như đã được chứng tỏ ở Gruzia, Ukraine và Syria. Chủ trương cân bằng ảnh hưởng này đã khiến Nga xích lại gần Trung Quốc, nước cũng như Nga muốn thách thức sự thống trị của Mỹ.

Như vậy, đánh giá của Nga và Trung Quốc về các mối đe dọa đến từ bên ngoài trùng hợp với nhau ở chỗ là đều xem các chính sách của Mỹ mang tính chất đe dọa đối với họ — sự phát triển của NATO về phía đông, trong trường hợp của Nga, và chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ với Trung Quốc.

Áp lực đến từ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, cộng thêm với ý muốn đối trọng lại của Nga và Trung Quốc, đã đẩy hai nước Nga-Trung xích lại gần nhau. Nhìn từ góc độ đó, vấn đề Biển Đông đối với Nga là một phần trong một một ván bài lớn ở cấp độ toàn cầu.

Cấp độ thứ hai mang tính khu vực, xuất phát từ các mục tiêu mang tính chất quốc gia và khu vực: Matxcơva cũng muốn đa dạng hóa quan hệ và tránh các bất ổn có thể gây tác hại đến quyền lợi kinh tế của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.

Về thương mại, Nga muốn thu lợi từ những hợp đồng năng lượng, hạ tầng cơ sở và vũ khí. Nhờ tăng cường hợp tác với Hà Nội, kể cả hợp tác về công nghệ quân sự, xuất khẩu vũ khí, liên doanh trong các đề án năng lượng, Matxcơva tạo ra một sự cân bằng lực lượng và quyền lợi chung ở Biển Đông, và đồng thời đa dạng hóa được quan hệ đối tác với các nước châu Á, với Việt Nam là cửa ngõ dẫn vào bên trong cộng đồng ASEAN.

Điều đó giải thích vì sao Nga tỏ ra thông cảm với các quan ngại của Việt Nam ở Biển Đông. Sự chồng lấn giữa hai cấp độ nói trên đã làm cho chính sách Biển Đông của Nga khó hiểu.

Theo Oilprice, hệ quả chính của ván bài «hai cấp độ này» là đối với Nga bản thân vấn đề Biển Đông, cũng như chính sách ứng phó của Nga, là một biến số chứ không phải là một hằng số: tranh chấp càng chuyển từ vấn đề chủ quyền trong khu vực sang thành sự đối đầu Mỹ-Trung, thì cách hành xử của Nga càng mang tính chất cân bằng lực lượng. Ngược lại, nếu Mỹ càng ít can dự thì chính sách của Nga càng xa rời cấp độ cân bằng lực lượng trên toàn cầu và càng mang nhiều yếu tố khoanh vùng khu vực hơn.

Cho đến nay, hai cấp độ nêu trên trong chính sách Biển Đông của Nga ở Biển Đông vẫn vận hành tốt, không mâu thuẫn với nhau.

Oilprice nhận xét Việt Nam đã hưởng lợi từ công cuộc hợp tác với Nga. Không như quan hệ với Mỹ, quan hệ đối tác với Nga cho phép Việt Nam tiếp cận với công nghệ vũ khí tiên tiến, năng lượng, tránh bị kẹt trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Hơn nữa, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng vũ khí, trang thiết bị của Nga.

© Sputnik / Maxim BogovidNghi lễ hạ thủy khu trục hạm thứ hai thuộc đề án "Gepard 3.9", thiết kế dành cho Hải quân Việt Nam, tại "Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky"
Nghi lễ hạ thủy khu trục hạm thứ hai thuộc đề án Gepard 3.9, thiết kế dành cho Hải quân Việt Nam, tại  Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky - Sputnik Việt Nam
Nghi lễ hạ thủy khu trục hạm thứ hai thuộc đề án "Gepard 3.9", thiết kế dành cho Hải quân Việt Nam, tại "Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky"

Oilprice nhận định, chính sách của Nga cũng không quá gây khó chịu cho láng giềng khổng lồ. Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Việt với yếu tố quân sự còn tốt hơn viễn cảnh tăng cường quan hệ Hà Nội-Washington.

Tuy láng giềng không hài lòng trước việc Nga chuyển giao vũ khí cho Việt Nam, nếu việc chuyển giao đó suy giảm hay chấm dứt, điều đó sẽ khiến Việt Nam thay đổi chính sách đa dạng hóa quan hệ quân sự hiện nay để nghiêng về phía Washington. Do đó, giới quan sát cho rằng dù luôn khăng khăng một mực chống quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh vẫn chấp nhận sự can dự của Nga cũng như hợp tác quân sự Nga-Việt, Oilprice đánh giá.

Về phần Nga, khi giữ quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, Matxcơva đang thực hiện các mục tiêu khu vực và toàn cầu của mình: Gia tăng ảnh hưởng của Nga trong cán cân quyền lực châu Á, và định hình lại tranh chấp Biển Đông sao cho có chỗ nhiều hơn cho các cuộc đàm phán đa phương, Oilprice kết luận.

Nguồn: Viettimes

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала