Kênh Quốc phòng Việt Nam đưa tin, tại Đà Nẵng, Quân chủng Phòng không — Không quân vừa tổ chức hội nghị ngành tên lửa toàn quân năm 2017. Theo thông báo từ năm 2009 đến nay, ngành đã cải tiến, đưa vào sẵn sàng chiến đấu 12 tổ hợp tên lửa phòng không, tăng hạn hàng trăm quả đạn tên lửa, thực hiện 100% chỉ tiêu bảo quản, bảo dưỡng, tăng hạn sử dụng, bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật vũ khí trang bị.
Ngoài ra, các nhà máy trong quân chủng đã sửa chữa 15 lượt tổ hợp tên lửa, nâng cấp các dây chuyền, tiểu đoàn kỹ thuật, trạm kỹ thuật ở cấp trung đoàn.
Tuy không nêu chi tiết loại tên lửa được cải tiến, nâng cấp, tuy nhiên nhiều khả năng đó chính là dự án nâng cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM Pechora-2TM. Đây là gói nâng cấp do Belarus thiết kế, và trực tiếp tham gia cải tiến ở Việt Nam. Sau đó, phía Việt Nam được Belarus chuyển giao công nghệ với tới nay cơ bản đã tự mình thực hiện được các hạng mục cải tiến trong nước
Việc tự nâng cấp được các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại cho thấy bước phát triển vượt bậc của công nghiệp quốc phòng nước ta. Theo biên chế đơn vị tên lửa phòng không của Liên Xô mà Việt Nam tổ chức tương tự thì 12 tổ hợp tương đương với 12 tiểu đoàn tên lửa biên chế cho các trung đoàn phòng không bảo vệ mọi miền đất nước. Đây là một con số rất lớn, không phải quốc gia nào ở khu vực và trên thế giới có thể làm được.
Theo các tài liệu nước ngoài, chương trình nâng cấp S-125-2TM đem lại khả năng chống lại các cuộc tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao trong môi trường gây nhiễu điện tử mạnh. Gói nâng cấp chủ yếu tập trung vào việc cải tiến radar điều khiển hỏa lực SNR-125, có khả năng bám bắt mục tiêu cỡ nhỏ, cải thiện khả năng khóa mục tiêu, tăn cường khả năng khóa mục tiêu (dẫn đường cho 2 tên lửa tấn công 2 máy bay cùng lúc).
Về hỏa lực hệ thống, S-125-2TM trang bị 4 bệ phóng cố định 5P73-2TM lắp 4 đạn tên lửa 5V27. Đạn 5V27 nâng cấp cho phép diệt mục tiêu ở tầm bắn xa đến 35km, tầm cao đạt 25km (chưa nâng cấp là 18km), đánh chặn mục tiêu di chuyển tốc độ 900m/s. Hệ thống S-125-2TM có xác suất tiêu diệt mục tiêu máy bay chiến thuật từ 85-96%, tên lửa hành trình đạt từ 30-80%, trực thăng đạt 40-85%.
Về việc tăng hạn sử dụng các quả đạn tên lửa phòng không, nhiều khả năng dự án này liên quan tới các đạn tên lửa S-125 Pechora và S-75M3 Volga 2. Các quả đạn tên lửa đa số do Liên Xô sản xuất, có tuổi đời trên 20 năm. Việc tăng hạn sử dụng là điều cần thiết khi mà hiện nay các loại đạn này đã không còn được sản xuất.
Nói thêm về S-75M3 Volga 2 — đây có lẽ là phiên bản SA-2 hiện đại nhất mà Việt Nam từng sử dụng. Nó vốn là gói nâng cấp do Almaz-Antey (Nga) thực hiện, sử dụng một số thành phần kỹ thuật số dùng cho hệ thống phòng không S-300 PMU1/2.
Sau nâng cấp, đài điều khiển hỏa lực SNR-75M3 có khả năng bám mục tiêu ở cự ly tới 100km; dẫn đường cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc (trước nâng cấp chỉ dẫn được một mục tiêu); Thời gian từ khi bám bắt mục tiêu đến khi sẵn sàng phóng tên lửa giảm từ 8 giây xuống 3 giây; Tự động theo dõi mục tiêu và dẫn hướng cho tên lửa trong môi trường tác chiến điện tử mạnh…
Về đạn tên lửa, sau nâng cấp tên lửa có khả năng bắn hạ mục tiêu ở tầm xa tới 60km, độ cao 27km (trước nâng cấp chỉ là 45km và 25km), xác xuất diệt mục tiêu ở cự ly 50km đạt từ 65-98%. Tên lửa lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 195kg, khi nổ tạo ra khoảng 29.000 mảnh vỡ có phạm vi sát thương lên đến 65m ở độ cao thấp hoặc 250m ở độ cao lớn.
Ngoài ra, Việt Nam đang từng bước làm chủ sửa chữa trong nước tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300PMU1. Như đã biết, S-300PMU1 được trang bị cho quân đội ta tới nay đã hơn 10 năm, sau một thời gian dài như vậy đòi hỏi cần được sửa chữa, nâng cấp lớn để tiếp tục sử dụng.
Bên cạnh đó, những quả đạn tên lửa S-300 có giá tới 1 triệu USD một quả sau chừng ấy năm sử dụng để huấn luyện cũng cần phải bảo dưỡng, tăng hạn sử dụng. Hi vọng rằng, Việt Nam đã làm chủ công nghệ này, bởi việc đặt hàng nước ngoài sẽ tốn chi phí rất lớn.
Nguồn: PKKQ, Kiến Thức