Người đứng đầu "Naftogaz" Andrei Kobolev yêu cầu Mỹ "trừng phạt" các công ty dự định tham gia vào "Dòng chảy phương Bắc —2", theo tin từ tạp chí The Wall Street Journal.
"Chúng tôi khuyên Mỹ nên mở rộng lệnh trừng phạt đối với tất cả các công ty có khả năng tham gia vào dự án này càng sớm càng tốt", — Kobolev nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí.
Dự án "Dòng chảy phương Bắc —2" liên quan đến việc xây dựng hai đường ống của hệ thống dẫn khí đốt từ bờ biển của Nga đi qua biển Baltic đến Đức. Tổng công suất sẽ là 55 tỷ mét khối mỗi năm.
Để thực hiện dự án, đã thành lập công ty Nord Stream 2 AG, công ty này trong tháng Tư đã ký một thỏa thuận về việc các công ty Shell (Anh — Hà Lan), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper (Đức) và Wintershall (Đức) tài trợ cho dự án. Trong tháng Sáu, các đối tác đã chuyển vào tài khoản của công ty hơn một tỷ euro. Dự kiến đường ống sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2019.
Các biện pháp trừng phạt mới đã gây ra sự bất mãn trong EU. Áo và Đức nhìn thấy trong dự luật mối đe dọa đối với nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Chuyên gia phân tích cao cấp của công ty đầu tư "Alpari" Roman Tkachuk cho rằng Mỹ có thể áp đặt biện pháp trừng phạt, nhưng vị trí của họ trong dự án này không phải là quá quan trọng.
"Đối với dự án "Dòng chảy phương Bắc —2" điều quan trọng đầu tiên không phải là quyết định của Mỹ, mà là của châu Âu, đặc biệt là Ủy ban châu Âu. Nói cách khác, Mỹ có thể áp đặt lệnh trừng phạt với tất cả các công ty đang tham gia vào " Nord Stream-2", nhưng nếu, ví dụ, Đức đang thực hiện dự án này thì họ sẽ tiếp tục thực hiện và tài trợ. Và nếu tính đến việc Đức là nước tiếp nhận và các công ty Đức là cổ đông, tôi nghĩ rằng nước Đức ủng hộ dự án này. Bởi vì sau khi dự án được hoàn tất, Đức sẽ trở thành một trung tâm khí đốt ở châu Âu, họ sẽ kiểm soát và phân phối lại các dòng khí đốt, và đó là vị trí có lợi".- Tkachuk nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
"Một số quốc gia, trong đó có Ukraina đề đạt lên Ủy ban châu Âu rằng dự án"Dòng chảy phương Bắc —2" sẽ dẫn đến sự phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga. Hiện Ủy ban chưa có quyết định chính thức nào. Nhưng nói chung, Ủy ban châu Âu thường ủng hộ Đức như là đầu tàu của nền kinh tế châu Âu. Hãy chờ xem lần này như thế nào", — nhà phân tích nhận xét.