Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm — SIPRI, trong năm 1995, Việt Nam đã nhận từ Nga 6 tiêm kích Su-27 đầu tiên, hợp đồng có trị giá 200 triệu USD (bao gồm 5 chiếc Su-27SK và 1 chiếc Su-27UBK phục vụ công tác đào tạo phi công). Tiếp theo, sang tới năm 1997 — 1998, Việt Nam nhận nốt 6 chiếc Su-27 nữa, đợt giao hàng lần này chỉ bao gồm 2 máy bay Su-27SK nhưng lại có tới 4 chiếc Su-27UBK.
Sang tới năm 2016, chiếc tiêm kích trên đã hoàn thành việc tăng hạn sử dụng và quay trở lại trực chiến trong đội hình của Trung đoàn không quân 925.
Sau đó đến tháng 10/2016, trong phóng sự "Nơi chữa bệnh cho máy bay tiêm kích" đăng trên chuyên mục "Nhịp sống quân ngũ" của báo Tuổi trẻ, thông tin cho biết: "Sau khi ra xưởng, máy bay Su-27 số hiệu 8526 có thêm 8 — 9 năm sử dụng nữa".
Ước tính số giờ bay tiếp theo của chiếc Su-27UBK số hiệu 8526 là khoảng 800 — 1.000 giờ. Hết thời hạn kể trên, việc tiếp tục đại tu kéo dài thời hạn hoạt động là khó có khả năng xảy ra, mà rất có thể máy bay vẫn được sửa chữa lớn nhưng sẽ rút khỏi biên chế chiến đấu và đưa vào diện dự bị như những chiếc MiG-21 hiện nay.
Được biết sau máy bay Su-27UBK 8526 (phiên bản 2 chỗ ngồi), Nhà máy A32 đang tiếp tục đại tu thêm 2 chiếc Su-27SK (phiên bản 1 chỗ ngồi) nữa. Như vậy tính từ thời điểm năm 2016, có thể thấy rằng sớm nhất trong khoảng 8 năm nữa sẽ có tiêm kích Su-27 phải nhận sổ hưu.
Việc lên kế hoạch tìm ứng viên thay thế là tất yếu, không thể chậm trễ để đến thời gian trên không xảy ra khoảng trống trong lực lượng bảo vệ không phận.
Ứng viên hàng đầu cho vị trí kế thừa vai trò tiêm kích hạng nặng chiếm ưu thế trên không như Su-27 Flanker-B theo đánh giá khó có ai khác ngoài Su-30SM và Su-35S — những loại chiến đấu cơ thế hệ 4,5 hàng đầu hiện nay của Nga.
Nguồn: Báo Đất Việt