Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã đề nghị các cơ quan chức năng Philippines xác minh thông tin báo chí nêu về việc hai thuyền viên người Việt bị sát hại và có hỗ trợ cần thiết trong thời gian sớm nhất.
"Việt Nam lên án mạnh mẽ mọi hành vi bắt cóc và sát hại dã man, vô nhân tính và cho rằng các hành vi này phải bị trừng trị đích đáng", bà Hằng nói.
Trước đó, báo chí Philippines đưa tin, hai người Việt bị nhóm Abu Sayyaf giữ làm con tin từ tháng 11 năm ngoái được tìm thấy trong tình trạng đã bị sát hại hôm 5/7. Thi thể của nạn nhân được tìm thấy lúc 5h40 sáng tại làng Tumahubong, thị trấn Sumisin, tỉnh Basilan. Hai nạn nhân thuộc nhóm 6 thuyền viên của tàu chở hàng MV Royal 16 của Việt Nam bị Abu Sayyaf cướp vào tháng 11/2016. Lực lượng an ninh Philippines đã giải cứu được 1 thuyền viên vào tháng 6 vừa qua.
Abu Sayyaf là một trong những nhóm khủng bố nhỏ nhất và bạo lực nhất ở miền nam Philippines. Với tên gọi mang nghĩa "người mang gươm", Abu Sayyaf khét tiếng với những vụ bắt cóc đòi tiền chuộc, tấn công dân thường và quân đội.
Năm 2004, nhóm này đánh bom một chiếc tàu trên vịnh Manila của Philippines, khiến 116 người thiệt mạng. Trong vài năm gần đây, nhiều người Malaysia, Indonesia, các du khách phương Tây và cả công dân Philippines bị bắt làm con tin. Ba nhóm con tin người Indonesia và Malaysia được thả đầu năm 2016, nhưng hai công dân Canada là Robert Hall và John Ridsdel bị giết hại sau khi chính phủ Canada từ chối trả tiền chuộc, CNN đưa tin.
Abu Sayyaf có nguồn gốc từ các cuộc nổi dậy đòi ly khai ở miền nam Philippines, một vùng nghèo khó nơi tín đồ Hồi giáo chiếm phần đông dân số, trái ngược với những khu vực còn lại của nước này.
Abu Sayyaf tách ra từ Mặt trận giải phóng quốc gia Moro năm 1991 vì bất đồng với chính sách của tổ chức này về theo đuổi tự trị và muốn lập ra một nhà nước Hồi giáo độc lập.
Abdurajak Abubakar Janjalani lập ra Abu Sayyaf. Đối tượng này là người truyền giáo từng tham gia chiến tranh Afghanistan và được cho là đã gặp Osama bin Laden rồi bị ảnh hưởng tư tưởng của trùm khủng bố. Al-Qaeda cung cấp tài chính và huấn luyện khi Abu Sayyaf mới hình thành.
Sau khi Janjalani chết, Abu Sayyaf tách thành 2 nhóm riêng và thủ lĩnh của 2 nhóm này bị tiêu diệt vào năm 2006 và 2007. Kể từ đó, Abu Sayyaf hoạt động như một tập hợp các nhóm nhỏ dựa trên quan hệ họ hàng hoặc cá nhân, nhưng thỉnh thoảng cũng cạnh tranh với nhau. Vụ chặt đầu một con tin người Malaysia tên là Bernard Then là một ví dụ. Vụ này được cho là do đàm phán hỏng khi một trong hai nhóm giữ con tin đòi tiền chuộc cao hơn mức ban đầu đưa ra, và nhiều bên liên quan khác nhau tham gia thương lượng đều muốn được chia tiền chuộc.
Abu Sayyaf được cho là gồm khoảng 400 thành viên. Từ năm 2014, nhiều nhóm nhỏ trong đó tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Isnilon Tontoni Hapilon, một trong những thủ lĩnh nổi bật nhất của Abu Sayyaf, được coi là thủ lĩnh của tất cả các nhóm thân IS ở Philippines.
Giới chức Philippines cho rằng, việc Abu Sayyaf tuyên bố trung thành với IS chỉ là để nhận được tiền tài trợ. Nhưng IS đã thừa nhận một số cam kết và hãng tin của IS là A'maq đã đưa tin về những vụ xung đột lớn giữa lực lượng vũ trang Philippines và các nhóm phiến quân. Điều đó cho thấy có thể Abu Sayyaf thực sự có quan hệ với IS.
Trong hầu hết trường hợp, Abu Sayyaf thường thả con tin nếu chúng nhận được tiền chuộc. Nhóm này được cho là đã giết hại một số con tin nếu đòi hỏi của chúng không được đáp ứng.
Vụ bắt cóc 18 người Malaysia và Indonesia gần đây làm dấy lên lo ngại rằng vùng biển ở khu vực đang trở thành "Somalia mới", gây cản trở hoạt động thương mại.
Trung tâm Báo cáo cướp biển trụ sở tại Kuala Lumpur từng cảnh báo các tàu thương mại tránh xa các tàu nhỏ đáng ngờ ở vùng biển khu vực, còn Indonesia và Malaysia đã thực hiện một số chuyến tuần tra chung chống cướp biển. Cũng có lo sợ rằng Abu Sayyaf có thể đang hỗ trợ hoạt động khủng bố của các nhóm khác có liên hệ với IS ở khu vực. Các nhà điều tra trong vụ tấn công ở Jakarta vào tháng 1 năm ngoái cho biết, vũ khí sử dụng trong vụ này đến từ miền nam Philippines.
Dù không có bằng chứng Abu Sayyaf liên quan vụ tấn công nhưng nhóm này từ lâu đã có quan hệ với các nhóm phiến quân khét tiếng ở Indonesia như Mujahidin Indonesia Timur và Jemaah Islamiyah (JI). Nhiều thành viên của JI tham gia đợt đánh bom Bali đã sang địa bàn của Abu Sayyaf trú ẩn sau khi trốn khỏi Indonesia.
Nguồn: Tiền Phong