Sự khác biệt trong đặc thù khách du lịch
Ngày 13/7, tại cuộc họp ban chỉ đạo chương trình phát triển ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện khách Trung Quốc và Nga đến Nha Trang tiếp tục tăng, nhưng các thị trường truyền thống như Pháp, Mỹ, Nhật Bản giảm mạnh, có thị trường giảm trên 30%?.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Mỹ — Chủ tịch Lửa Việt Tours cho biết: "Tôi không thấy bất ngờ khi nghe thấy những con số thống kê trên. Số lượng trên là giảm còn ít so với những gì tôi đã từng cảnh báo.
Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều thị trường du lịch khác đã đưa ra nhận định, khách Trung Quốc thường được mô tả là những người ồn ào, bất lịch sự và không có ý thức tổ chức…Ngay tại trong nước, du khách Trung Quốc cũng luôn bị than phiền vì những hành vi khiếm nhã
Thêm nữa, với một bộ phận lớn du khách là người Trung Quốc chưa từng đặt chân ra nước ngoài, chưa am hiểu văn hoá sở tại, hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ bản địa hay nói tiếng Anh, việc nhóm khách này gây ra nhiều phiền toái là điều không thể tránh khỏi.
Đa số khách Trung Quốc, Nga, Việt Nam… đi tới đâu thường khiến du khách các nước bỏ đi tới đó, nhất là khách châu Âu, Mỹ, Nhật….
Bên cạnh đó, theo ông Mỹ, có một số nước họ khoanh vùng theo từng thị trường để đón tiếp và phục vụ, chứ không làm dịch vụ thập cẩm. Việt Nam chưa làm được việc này, toàn kinh doanh du lịch tự phát, thiếu chuyên nghiệp.
Nếu đúng ra thì không nên chê thị trường nào, nhưng phải biết dự báo và qui hoạch chứ không tự phát, chạy theo phong trào, ham lợi trước mắt mà quên chuyện lâu dài. Bài học làm du lịch kiểu phong trào khách Nga ở Phan Thiết và gần đây là khách Trung Quốc ở Đà Nẵng, Quảng Ninh…vẫn còn nóng hổi.
Như chúng ta biết, năm 2015, du khách Trung Quốc qua mặt Đức và Mỹ về khoản chi tiêu bình quân khi du lịch nước ngoài. Đó là những du khách dễ tính, rất chịu khó vung tiền mua sắm, trái ngược với lượng khách khi vào Việt Nam.
Việt Nam có 7 tỉnh giáp Trung Quốc với biên giới chung hơn 1.350 km và hàng chục cửa khẩu. Nếu biết tận dụng và khai thác, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam sẽ còn tăng nhiều trong mấy năm tới, nhưng thách thức ở đây là làm sao để họ chi tiêu cao hơn mới quan trọng.
"Tôi đã từng nói rất nhiều lần, hàng lưu niệm đặc thù địa phương gần như không có. Hàng tiêu dùng tràn ngập "Made in China", chẳng lẽ lại "chở củi về rừng" và mua đắt hơn ở nhà. Ăn chơi cũng nghèo nàn vì sợ đủ thứ. Chỉ còn trái cây và hải sản thì bị đầu nậu thao túng. Tour 0 đồng được tiếp tay bở doanh nghiệp và quản lý nhà nước. Giá trên trời mà chất lượng dưới đất, khách mua một lần là tởm và thông tin cho bạn bè khách tránh sập bẫy. Tour 0 đồng thì họ tự làm từ A đến Z, chỉ thí cho doanh nghiệp Việt mấy đồng lẻ để "bôi trơn" hầu núp bóng và được chống lưng. Bao nhiêu tiền lời của khách vào túi đầu nậu Trung Quốc, du khách cũng là nạn nhân. Nguy hiểm nhất là mọi tiếng xấu thì Việt Nam gánh chịu. Chúng ta đang mắc bệnh chạy theo số lượng, trong khi phải tập trung cả chất và lượng", ông Mỹ nói thêm.
Cần làm gì?
Một là, xử phạt và trục xuất những du khách vi phạm pháp luật Việt Nam, bất kể là nước nào, bất kể lĩnh vực nào; chứ không riêng gì người Trung Quốc và chỉ ngành du lịch. Đưa vào Blacklist những người nước ngoài có "tiền sử" xấu để cấm hoặc buộc nhập cảnh vào Việt Nam phải có bảo lãnh. Thái Lan không có biên giới chung nhưng năm 2016, họ đó hơn 8 triệu khách Trung Quốc, gần gấp 3 lần Việt Nam mà có sao đâu?.
Hai là, hàng lưu niệm và thủ công mỹ nghệ cần phải thay đổi mạnh mẽ về kiểu dáng, chủng loại và chất lượng vì đó là nguồn thu đáng kể du khách. Hàng tiêu dùng phải đặc trưng Việt Nam mới bán được. Xóa bỏ vĩnh viễn các đầu nậu và "bạch tuộc" Trung Quốc từ việc tổ chức tour khép kín, đến núp bóng mở các cửa hàng buôn bán đặc sản, hàng lưu niệm.
Ba là, muốn níu kéo thị trường truyền thống thì phải có chiến lược dịch vụ rõ ràng, phù hợp.
Thêm vào đó, sự "đổ bộ" của du khách Trung Quốc vào Việt Nam, ngoài khía cạnh kinh tế, cần được coi là một cơ hội tốt để chúng ta chấn chỉnh ngành du lịch nhiều tiềm năng nhưng quá lộn xộn trong thời gian qua. chính vì thế đừng sợ mà phải đối diện mà giải quyết, học hỏi thêm một số kinh nghiệm của Thái Lan, Campuchia những nước có nhiều cách xử lý.
"Trong du lịch rất đau lòng khi phải khẳng định chúng ta không chỉ kém xa du lịch Thái Lan, mà thua cả Lào, Campuchia về mọi mặt. Từ việc đón khách Trung Quốc, dự báo và giải pháp đối phó các sự cố, giữ thị trường truyền thống…. Có lẽ cũng dễ hiểu, bởi ở Thái Lan và các nước phát triển, du lịch là "Industry" — công nghiệp. Từ nhân lực đến nghiệp vụ đều được chuẩn hóa. Hướng dẫn viên quốc tế và nội địa được đào tạo nghiệp vụ tương đương, chỉ khác ở trình độ ngoại ngữ tương ứng. Ở Việt Nam, du lịch là "Service" — dịch vụ nhỏ, ai cũng có thể tham gia, "mạnh ai nấy làm", trăm hoa đua nở ", ông Mỹ nói thêm.
Nguồn: Báo Đất Việt