Quá trình thương thảo và ký kết hợp đồng BT kéo dài, phức tạp, nhiều nội dung không cụ thể, đồng nhất, có trường hợp ký hợp đồng BT sau khi dự án khởi công và chấp thuận đưa vào nội dung hợp đồng các hạng mục nhà đầu tư đã tự thi công và hoàn thành trước đó.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự án nhà máy nước Yên Sở thực hiện khi chưa có kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở của Bộ Xây dựng và thẩm tra phê duyệt công nghệ của Sở Khoa học& Công nghệ Hà Nội, chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư tại thời điểm ký hợp đồng BT, toàn bộ quá trình thi công, thực hiện dự án trước khi ký hợp đồng BT không có sự tham gia giám sát, thẩm định, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, của các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Dự án này cũng chưa có đầy đủ cơ sở về hồ sơ, tài liệu theo quy định để xem xét quyết toán đối với một số hạng mục chi phí như chi phí lãi vay, chi phí luật, chi phí luật chung theo đề nghị của nhà đầu tư.
Cùng với đó, toàn bộ nước thải sinh hoạt của khu công viên Yên Sở, các khu đô thị C1, C2, khoảng 10.000 mét khối/ngày chưa được công ty Gamuada Việt Nam tiến hành qua bước thu gom, xử lý theo quy định.
Đặc biệt, giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của nhà đầu tư là 9.857.505 USD không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt về biện pháp thi công, khối lượng nạo vét thực tế, đơn giá, định mức thực hiện.
Việc lập, phê duyệt, triển khai thực hiện việc nạo vét hồ, việc giám sát thi công và công tác hoàn công, đều do nhà đầu tư tự triển khai, không có sự tham gia, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chức năng thuộc UBND thành phố Hà Nội. Vì vậy, chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định để làm cơ sở xem xét quyết toán đối với giá trị nạo vét này.
Việc phải kéo dài thời gian hoàn thành dự án 18 tháng, nguyên nhân chính là do việc thực hiện công tác xây dựng đối với một số nội dung, hạng mục bị điều chỉnh thiết kế; chất lượng nước thải đầu ra chưa được làm rõ và xử lý triệt để các thông số nito, photpho; việc chậm trễ trong thành lập hội đồng nghiệm thu, bàn giao, vận hành nhà máy… làm tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng, giá trị sau kiểm toán là 11.548.183 USD.
Nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm đối với các khoản phát sinh tăng nêu trên chưa được UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành có liên quan thẩm tra, thẩm định, làm rõ để làm cơ sở xem xét, quyết toán.
Với dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn mố cầu vượt sông Nhuệ phát sinh do tăng mật độ cọc là 7.985,47 triệu đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư; chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện 0,4kv, điện nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc, khảo sát với giá trị 7.723,36 triệu đồng, trong đó giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, do vậy, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này.
Với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở GTVT và nhà đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định của hợp đồng BT đã ký kết; nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách nhà nước trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước là 510,12 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc UBND thành phố Hà Nội có biểu hiện buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện việc thu, nộp tiền theo quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, nhà đầu tư không chấp hành cung cấp tài liệu, có biểu hiện chống đối, cản trở hoạt động thanh tra, ảnh hưởng đến kế hoạch, nội dung, tiến độ và thời gian thanh tra; vi phạm quy định luật thanh tra.
Việc xác định giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng cần điều chỉnh các quyết định giao đất khu đô thị Xuân Phương đối với Tasco cho phù hợp Quy hoạch xây dựng chi tiết đã được điều chỉnh và phương thức giao đất, cho thuê đất của UBND thành phố Hà Nội, quận Nam Từ Liêm tổ chức thực hiện hoàn thành việc GPMB của dự án, trên cơ sở đó rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý 37.648,95 triệu đồng tiền thuê đất tăng thêm do chưa xác định giá trị tiền thuê đất đối với phần diện tích đất công cộng và bãi đỗ xe của dự án theo quy định của pháp luật để làm cơ sở quyết toán hợp đồng BT đã ký kết và làm cơ sở cho TASCO thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.
Tính sai tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật do áp sai suất vốn đầu tư trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11.275,96 triệu đồng.
Với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, phần chi phí lãi vay nguồn vốn trái phiếu và vay vốn tín dụng tại Ngân hàng Vietinbank trước thời điểm khởi công dự án (ngày 15/5/2014) không được xác định để tính chi phí lãi vay trong tổng mức đầu tư dự án BT được duyệt; việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án đường liên tỉnh Hà Nội — Hưng Yên, số tiền 18.764,7 triệu đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không được dùng vào mục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình; việc giao đất và xác định tiền sử dụng đất của dự án đối ứng chậm theo quy định, dẫn đến phát sinh tăng khoản chi phí của dự án.
Dự án nút giao thông Long Biên: tính lại chi phí vận chuyển dầm thép theo thực tế, giá trị giảm là 2.912,1 triệu đồng.
Nguồn: Báo Tiền phong