Tự sản xuất
Tuy kết cấu của nó vẫn giống với súng cối truyền thống, nhưng kiểu nòng, cũng như cỡ nòng đều khác biệt hoàn toàn với súng cối Mỹ, Nga và nhiều nước khác.
Theo Nhà máy Z125, việc nghiên cứu và luyện thành công nòng súng đòi hỏi rất khắt khe bởi đây là chi tiết làm việc trong điều kiện rất khắc nghiệt về nhiệt độ và áp suất nên đòi hỏi phải có cơ tính tổng hợp cao, trong đó đặc biệt chú ý đến độ bền, độ dai va đập và khả năng chống mài mòn.
Quá trình chế tạo nòng súng cối phải kết hợp nhiều công nghệ như: công nghệ nấu luyện, đúc thép; công nghệ gia công cắt gọt; công nghệ mạ lỗ nòng và đặc biệt là công nghệ nhiệt luyện.
Để đạt được các chỉ tiêu cơ tính đáp ứng được yêu cầu làm việc của nòng cối, là phải chế tạo nòng từ các loại thép carbon trung bình được hợp kim hóa bằng các nguyên tố có tác dụng tăng độ thấm tôi, tăng tính dẻo, làm nhỏ hạt và hạn chế khả năng bị thải bền trong quá trình làm việc như crôm, mangan, niken…
Đạn công nghệ cao
Không chỉ sản xuất thành công súng cối 100mm, Viện Vũ khí (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã chế tạo và thử nghiệm thành công ngòi hẹn giờ điện tử cho đạn cối cát-xét 100mm. Loại đạn dùng cho súng cối 100mm do Việt Nam tự sản xuất.
Nội dùng này được nói đến trong trong phóng sự "Ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn cối" được phát sóng trên Truyền hình QĐND gần đây.
Ngòi hẹn giờ là loại ngòi có tác dụng kích nổ đầu đạn tại một thời điểm nhất định trên quỹ đạo bay của đạn theo thời gian định trước. Hiện nay, trên thế giới có ba loại ngòi phổ biến gồm: ngòi hẹn giờ bằng thuốc cháy, ngòi hẹn giờ cơ khí và ngòi hẹn giờ điện tử.
Trong đó, ngòi hẹn giờ điện tử là ngòi dùng các mạch điện tử để đặt thời gian nổ, nó có độ chính xác cao về thời gian làm việc, phạm vi điều chỉnh rộng. Loại ngòi này có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với ngòi cơ khí truyền thống.
Ví dụ, đối với đạn mẹ — con (đạn chứa nhiều đạn con), nếu dùng ngòi hẹn giờ cơ khí thì thời gian cắt nổ không đảm bảo độ chính xác. Với ngòi hẹn giờ điện tử có thể giúp cắt nổ chính xác, đạn mẹ rải đạn con đúng vị trí mong muốn, đảm bảo tiêu diệt mục tiêu.
Theo cán bộ của Viện Vũ khí, mô hình cơ bản ngòi nổ hẹn giờ điện tử gồm: Phần cơ khí sử dụng cơ cấu an toàn bằng chốt quán tính dọc trục kết hợp và chốt ngang. Khi bảo quản ngòi còn có chốt giữ chốt quán tính, chốt an toàn này được pháo thủ rút ra trước khi bắn. Trong ngòi còn được bố trí nhóm công tắc quán tính nhằm kích nổ ngòi khi mạch điện tử không làm việc.
Phần mạch điện tử sử dụng IC vi xử lý PIC16F628 được bố trí trên một bo mạch có gắn kết hợp cổng nạp dữ liệu. Tất cả được đổ thành một khối đặc bằng keo silicon, dữ liệu được nạp trực tiếp từ các thiết bị chuyên dùng qua các đồng trục tới cổng nhận trên bo mạch.
Và phần nguồn cung cấp cho mạch ngòi là nguồn pin đáp ứng yêu cầu về độ bền, bảo quản lâu dài cũng như khi sử dụng. Nguồn pin dùng loại lithium CR2 có tuổi thọ lâu dài, kích thước nhỏ gọn, điện lượng lớn, hiệu điện thế phù hợp với yêu cầu làm việc của mạch ngòi và chịu được gia tốc lớn khi bắn.
Mạch ngòi đảm bảo các yếu tố: bo mạch có kích thước nhỏ gọn, đủ phần không gian trong ngòi; bo mạch đủ bền trong bảo quản cũng như khi bắn; dữ liệu về thời gian được lưu và khi không được cấp nguồn; dữ liệu về thời gian được nạp trực tiếp từ bộ nạp thông qua jack cắm; mạch ngòi sau khi chế tạo được thử nghiệm theo quy định.
Sau khi hoàn thành, chế thử, Viện Vũ khí đã tiến hành bắn thử thành công đạn cối 100mm cát-xét dùng ngòi hẹn giờ điện tử, đạn nổ đúng như thời gian cài đặt ban đầu.
Đề tài nghiên cứu ngòi hẹn giờ điện tử đạn cối 100mm cát-xét là đề tài định hướng đón bắt cho những dự án chế ngòi nổ hẹn giờ sẽ được triển khai trong vài năm tới như thiết kế ngòi hẹn giờ điện tử lắp cho đạn pháo phản lực và các loại đạn pháo khác.
Nguồn: Báo Đất Việt, Kênh QPVN, Truyền hình QĐND