Tất nhiên, quan tâm cơ bản của các quan khách và những người thăm Triển lãm MAKS-2017 là các mẫu trực thăng quân sự: loại tấn công Mi-28 NE và Mi-35 (cải tiến sâu của Mi-24), phiên bản Mi-17 mới nhất dành cho lực lượng đặc nhiệm, cũng như chiếc trực thăng vận tải khổng lồ Mi-26.
Trong các chuyến bay trình diễn đã cho thấy cả ba mẫu trực thăng đa năng mới, trên thực tế sẵn sàng để sản xuất hàng loạt tại các cơ sở chế tạo máy bay ở Kazan và Ulan-Ude: đó là trực thăng hạng nhẹ "Ansat", hạng trung Mi-38 và Mi-171A2. Mẫu "38" với những nét ưu việt về khả năng vận chuyển khối hàng hóa lớn, trần bay thực tế và tốc độ được coi là xứng đáng chiếm vị trí giữa gia đình "8" và gã khổng lồ kiểu như Mi-26. Còn Mi-171A2 hiện thân là mẫu đời chót hoàn toàn dân dụng được cải tiến từ Mi-8/17. Tuy nhiên về trình độ kỹ thuật nó là mẫu trực thăng điển hình của thế kỷ 21, thậm chí ngoại hình cũng có khác biệt một chút so với "anh cả".
Lễ giới thiệu Mi-171A2 được tiến hành trước khi khai mạc Triển lãm-Hội chợ MAKS-2017, tại Nhà máy chế tạo trực thăng Matxcơva mang tên Mil, có nhóm lớn các nhà báo Nga và nước ngoài được mời dự. Trên sân bay nhỏ thuộc nhà máy trưng bày chiếc trực thăng màu xanh bạc với cánh cửa đẩy sang một bên (hẹp hơn so với Mi-8/17), chiếc thang bật mini và ô cửa mạn hình chữ nhật khít trong thân máy bay. Khi giới thiệu về cỗ máy này, ông Dmitry Zuikov đứng đầu bộ phận dịch vụ tiếp thị sản phẩm của "Máy bay trực thăng Nga" đã lưu ý như sau:
"Trực thăng Mi-171A2 được trang bị động cơ đảm bảo hoạt động đáng tin cậy hơn khi vận hành trong điều kiện vùng núi, nắng nóng và độ ẩm cao. Đây là cỗ máy tuyệt hảo dành cho các khu vực như Trung Đông, Đông Nam Á, Mỹ Latinh. Hội tụ tất cả những điểm tốt nhất từ các mẫu tiền nhiệm là Mi-8 và Mi-17, nó là mẫu thiết kế hiện đại tốt nhất của các doanh nghiệp Nga và nước ngoài chuyên về máy bay trực thăng. Cụ thể, đặc biệt đúng đối với tổ hợp điện tử trên khoang. Tuy nhiên, phần lớn các hệ thống, linh kiện, tổng thành đều do Nga sản xuất, cho phép chúng tôi cung cấp Mi-171A2 để xuất khẩu mà không e ngại đụng chạm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào".
Về phẩm chất sử dụng của loại trực thăng này, thì theo lời vị đại diện của "Máy bay trực thăng Nga", nó có thể chở tới 24 hành khách trong những dãy ghế hấp thụ năng lượng rất tiện lợi thoải mái với thắt lưng bốm điểm, tương ứng với tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất về an toàn. Rất dễ dàng, chỉ trong vòng 30-40 phút, Mi-171A2 chuyển đổi từ trực thăng chở khách thành "cỗ xe tải" khổng lồ, đủ sức chở 4 tấn hàng trong khoang và đến 5 tấn trên giá treo bên ngoài, như vậy tổng cộng số tấn nhiều hơn là Mi-8/17. Tiến bộ đáng kể đó đạt được nhờ gia tăng lực đẩy của rotor cánh quạt, động cơ mạnh hơn và bộ tải nâng cao, momen điểm truyền phía sau, bánh lái, chong chóng hình chữ X. Cánh quạt như vậy giảm mức ồn mà tạo điều kiện giữ máy bay thăng bằng ổn định hơn trên không, hạ thấp tác động của sức gió bên sườn.
Nói chung, các sáng chế gia của mẫu Mi-171A2 đã làm việc rất nghiêm túc với vấn đề vận hành an toàn. Ông Dmitry Zuikov cho biết:
"Cần chú ý đến hệ thống cấp nhiên liệu của trực thăng. Với loạt Mi-8/17, hệ thống nhiên liệu gồm các bồn chứa chính nằm ở hai bên thân máy bay, và các bồn cung cấp nằm ở phần trên. Còn với "171" thì thùng nhiên liệu chỉ gồm các bồn bên sườn đã tăng dung tích. Các bồn này đảm bảo cho chuyến bay dài đến 800 km. Và, dù nghe có vẻ nghịch lý nhưng các bồn bên sườn của Mi-171 là an toàn hơn".
Gia đình "số 8" của máy bay trực thăng "Mi" đã nổi tiếng hầu như khắp thế giới. Tại các nước Đông Nam Á, những chiếc trực thăng này được biết đến rất rõ. Đã tích lũy nhiều kinh nghiệm phong phú về vận hành trực thăng Mi tại các vùng nhiệt đới nóng ẩm, địa hình đồi núi và trên biển. Khi phóng viên Sputnik nêu câu hỏi về việc những kinh nghiệm này được tính đến như thế nào khi phát triển Mi-17, ông Dmitry Zuikov trả lời như sau:
"Dĩ nhiên phải tính đến chứ! Khi chúng tôi bắt đầu làm việc với đề án này hồi những năm 2009-2010, chúng tôi đã tiến hành gặp gỡ tất cả các nhà khai thác trực thăng Mi-8/17, thu thập tất cả các ý kiến nhận xét và đề nghị của họ, đồng thời cố gắng vận dụng tối đa khi sáng chế "171". Gia đình "8" đang bay ở Việt Nam, Indonesia, Lào, Campuchia, cũng như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Tổng cộng ở hơn 100 nước. Và tất cả những ai từng bay trên trực thăng Nga này đều nói giống nhau: Mi-8/17 chính là "Kalashnikov" của hàng không. Nó là nền tảng thực tế tốt nhất để có thể nâng cấp vô hạn, điều chỉnh theo đúng những yêu cầu cụ thể của khách hàng. Nhân đây xin nói luôn, chúng tôi coi một trong những thị trường triển vọng nhất cho Mi-171A2 là Việt Nam. "171" cho phép mở rộng đáng kể khả năng sử dụng kỹ thuật trực thăng so với các máy bay Mi-8 MTV-1 hiện đang bay ở Việt Nam. Ngay bây giờ, phiên bản hiện tại cũng thích hợp một cách lý tưởng để sử dụng ở vùng nhiệt đới", — nhà lãnh đạo bộ phận dịch vụ tiếp thị sản phẩm của tập đoàn "Máy bay trực thăng Nga" nhận định.