Hoàng Thị Hồng Tứ tốt nghiệp trường ĐH Sân khấu điện ảnh, được Hà Văn Thắm tiếp nhận làm công việc hành chính tại Văn phòng HĐQT OceanBank. Từ tháng 12/2008 đến tháng 5/2014, Tứ được Thắm nhờ đứng tên Chủ tịch Công ty BSC nhưng thực tế Tứ không góp vốn, không tham gia quản lý, điều hành công ty này.
Tuy nhiên, với vai trò người đại diện theo pháp luật, Hoàng Thị Hồng Tứ theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm đã ký bổ nhiệm Phạm Hoàng Giang làm TGĐ Công ty BSC. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Phạm Hoàng Giang, Hoàng Thị Hồng Tứ đã ký 97 "hợp đồng dịch vụ" để công ty BSC "thu phí" của khách hàng có nhu cầu vay vốn và mua ngoại tệ của OceanBank tổng số tiền 13,41 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt, gây thiệt hại cho khách hàng và OceanBank.
Hoàng Thị Hồng Tứ có lý lịch nhân thân tốt, bản thân Tứ đã ly hôn chồng và đang nuôi hai con nhỏ. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình phạt đối với Hoàng Thị Hồng Tứ.
Hoàng Thị Hồng Tứ còn được biết đến với cái tên Quỳnh Tứ và từng tham gia một số bộ phim truyền hình qua các vai: Thắm trong "Sau lũy tre làng Hạ", Mai trong "Trăng lạnh", Hạnh trong "Nắng trong mắt bão", Kim Thanh trong "Ban mai xanh", Thư trong "Những cánh hoa bay"…
Hoàng Thị Hồng Tứ còn được nhiều người biết đến khi có quan hệ khá thân thiết với ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng. Cả hai từng chung vốn đầu tư mở một thương hiệu cháo Cây Thị tại Hà Nội. Cả hai từng khẳng định coi nhau như anh trai — em gái.
VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm (SN 1972) — cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương cùng đồng phạm sang TAND TP. Hà Nội để sớm mở lại phiên xét xử sơ thẩm, báo Lao động đưa tin.
Với bản cáo trạng mới này thì cựu Chủ tịch Oceanbank sẽ bị truy tố cùng lúc về 4 tội danh là "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) — nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank — người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này bị đề cập xử lý về 3 tội danh gồm "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Gần 50 bị cáo liên quan, trong đó có Phạm Công Công Danh — Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh và bà Hứa Thị Phấn — cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín — lần lượt bị xem xét trách nhiệm theo 2 tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả xét xử bước đầu ở phiên tòa bị trả hồ sơ hồi đầu năm 2017 cũng như tài liệu điều tra bổ sung đối với vụ "đại án" này cho thấy, tính đến tháng 3.2014, vốn điều lệ của Oceanbank là 4.000 tỉ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ.
Ông Thắm cùng các bị cáo liên quan gây ra đã làm thiệt hại nặng nề đối với các cổ đông (trong đó có vốn Nhà nước), đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ.
Tài liệu vụ án chỉ ra, tổng số tiền mà Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo liên quan gây thiệt hại lên tới xấp xỉ 2.000 tỉ đồng. Dự kiến, tháng 9 tới đây, cựu Chủ tịch Oceanbank cùng 50 bị cáo liên quan hầu tòa.
Nguồn: Tổng hợp theo báo Infonet, Lao động