Lý giải hành động trên của Việt Nam, theo các chuyên gia có thể là do thói quen với việc lựa chọn những loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự đã chứng minh đầy đủ năng lực của mình qua thực tế chiến trường, điều này T-90S đã làm rất tốt còn bản T-90MS thì chưa được như vậy.
Thêm vào đó, T-90MS lại tồn tại nhược điểm chí tử về cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu khi chỉ có 22 viên trong máy nạp đạn tự động, số còn lại bố trí trong hộp đạn dự phòng phía sau tháp pháo tách biệt hẳn với khoang xe, buộc kíp lái phải ra hẳn ngoài để đưa đạn vào trong, rất dễ trở thành "mồi ngon" của quân địch.
Mọi việc còn có thể tồi tệ hơn nếu T-90MS đi theo cấu hình đang chào hàng tại Trung Đông, đó là lắp cục nóng của máy điều hòa nhiệt độ vào vị trí của hộp đạn, điều này khiến cơ số đạn của T-90MS quá ít so với yêu cầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tác chiến.
Trong khi đó T-14 Armata của Nga đã sắp hoàn tất mọi công tác thử nghiệm và chuẩn bị bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, so với T-90 thì rõ ràng thiết kế của Armata là cuộc cách mạng, vượt trội hoàn toàn về tất cả các chỉ số.
Do vậy, rất có thể với định hướng đưa Lục quân tiến lên hiện đại, Việt Nam có thể lựa chọn phương án "đi tắt đón đầu" để có Armata ngay khi Nga sẵn sàng xuất khẩu. Theo đánh giá, việc mua trước một lô nhỏ T-90S/SK có thể chỉ nhằm cấp tốc lấp đầy khoảng trống trước mắt.
Nếu có T-14 Armata trong biên chế, Lục quân Việt Nam sẽ tạo dựng được ưu thế nhất định, có thể tiếp tục dồn ngân sách để đầu tư cho Hải quân và Phòng không — Không quân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nguồn: Báo Đất Việt