Tội phạm truy nã quốc tế ra đầu thú, đại gia lắm tiền nhiều của bị bắt, sai phạm có tính điển hình ở cả "cơ quan đặc thù cấp vùng" như Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng được phát hiện, kết luận rõ ràng, dứt khoát, thuyết phục, không né tránh, khiến cả xã hội đặc biệt quan tâm theo dõi.
Đã có nhiều cán bộ sâu mọt bị vạch mặt, chỉ tên, nhiều cán bộ cấp cao sai phạm bị xử lý hoặc đang đứng dưới "thanh bảo kiếm" của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.
"Một bộ phận không nhỏ" cán bộ hư hỏng không còn là khái niệm chung chung trong văn bản mà đã bị phơi bày ra trước công luận, được xác định địa chỉ rõ ràng.
Đó không chỉ là các ông cán bộ "tép riu" ăn bẩn tiền hỗ trợ của dân nghèo đã bị phát hiện lẻ tẻ thời gian qua mà đã lộ diện các vị "quan to" với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, tạo vỏ bọc không dễ phát hiện.
Các vụ việc nổi lên vừa qua cho thấy, một trong những "lỗ hổng" mà bọn chạy chức, chạy quyền tìm cách xuyên thủng là ở các khâu yếu kém của công tác tổ chức cán bộ.
Những cái tên Trịnh Xuân Thanh được qui hoạch Thứ trưởng ở Bộ Công Thương sau đó chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, vụ 44/46 cán bộ làm lãnh đạo của Sở Lao Động, TB&XH Hải Dương; vụ bà
Đặc biệt hơn, đã xuất hiện một phương thức, thủ đoạn mới khi xuất hiện kiểu cán bộ được bổ nhiệm thần tốc "chỉ cần chức, không cần lương".
Đó là trường hợp Vũ Minh Hoàng — một thanh niên 26 tuổi chưa làm việc ngày nào ở Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã được âm thầm bổ nhiệm Phó Vụ trưởng không hưởng lương, chỉ lấy "hàm", rồi ngay sau đó được chuyển sang làm Phó Giám đốc của một đơn vị cấp sở của TP. Cần Thơ để tiếp tục không cần lương và đi học nước ngoài.
Những người có liên quan đã triệt để lợi dụng các khâu trong công tác cán bộ để biến nơi đây thành "một trạm trung chuyển" trên con đường quan lộ.
Cùng với công tác cán bộ, vi phạm tài chính đã xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng những phát hiện mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm về tài chính tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lại cho thấy một biểu hiện mới.
Tại đây, người đứng đầu cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản; để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên một trăm tỉ đồng; lập chứng từ khống để rút ngân sách nhà nước và tiền tài trợ, gây thất thoát nghiêm trọng tiền, tài sản của Nhà nước.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã lên mức cao trào, minh chứng "không có vùng cấm" trong xử lý sai phạm và tội phạm.
Chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại quyết liệt, hiệu quả như hiện nay. Có được điều này chính là bởi sự chuẩn bị kỹ càng, có bài bản, có chiến lược rất cụ thể.
Dư luận theo dõi các kết luận qua 16 phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong vòng 18 tháng qua kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đều rõ ràng, cụ thể, kịp thời.
Qua đó cho thấy, bằng cách làm khoa học, bài bản, đúng chức năng, thẩm quyền, đưa ra những kết luận chính xác, thuyết phục, không nể nang, né tránh, quyết không khoan nhượng cho dù đó là cán bộ đã nghỉ hưu hay Ủy viên Bộ chính trị đương chức vi phạm. Xử lý kỷ luật một người để cứu vạn người đó là tính nhân văn của công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng.
Một cuộc chiến trước kẻ thù giấu mặt vô cùng phức tạp, cực kỳ gay cấn, một mất một còn nếu lâu nay còn bị hoài nghi về hiệu quả, thì nay đang nóng lên, tạo ra niềm tin ngày càng vững chắc hơn.
"Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản… Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy" — những phát biểu gan ruột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa mang tính chỉ đạo, nhận định, đánh giá, vừa định hướng, hiệu triệu mạnh mẽ cho cuộc chiến chống tham nhũng cũng đang được dư luận đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ.
Nguồn: Tuổi Trẻ